Nhiều thành viên tổ hội trồng bưởi xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ có thu nhập cao từ trồng bưởi Diễn. Ảnh: Ánh Ngọc |
Hiệu quả rõ rệt
Tổ hội nghề giày dép da xã Châu Can, huyện Phú Xuyên là một trong những tổ hội nghề nghiệp có nội dung hoạt động phong phú, đạt hiệu quả cao. Tổ hội được thành lập năm 2016, với 18 thành viên, số vốn 5,4 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 8,5 tỷ đồng/năm. Chủ tịch HND huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng cho hay: “Điểm sáng tạo trong hoạt động của tổ hội là một số thành viên đã nhanh nhạy áp dụng hình thức quảng bá và bán hàng qua mạng internet. Nhờ đó, mức lương trả cho thợ chính hiện nay đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng. Cũng từ mức lợi nhuận thu được hàng năm, tổ đã cho các thành viên trong tổ vay vốn với lãi suất ưu đãi, giúp các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Hay như tổ hội trồng bưởi xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ với 37 thành viên, số vốn hoạt động 1 tỷ đồng, quy mô sản xuất 12ha. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả bưởi, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, các thông tin về thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp… Những việc làm này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Bưởi Phúc Thọ, giúp nâng cao giá trị của quả bưởi. Niên vụ bưởi năm 2018, với giá bán trung bình 30.000 – 40.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, tổ hội thu lãi gần 2,5 tỷ đồng.Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình tổ hội nghề nghiệp đang hoạt động hiệu quả tại các huyện trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, sau 3 năm thực hiện Đề án 24, HND TP Hà Nội đã xây dựng được 92 tổ hội nghề nghiệp, với 2.075 thành viên, đa dạng các nhóm ngành nghề như: Chăn nuôi; trồng trọt; trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh; làm mộc; VAC tổng hợp, sản xuất nông sản an toàn…Định hướng đi đôi với hỗ trợĐánh giá về kết quả xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp, Chủ tịch HND TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, bước đầu các tổ hội đã tạo sự gắn kết giữa các hội viên có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh theo kế hoạch, quy hoạch gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là tạo ra các sản phẩm đảm bảo ATVSTP, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên.Tuy nhiên, việc nhân rộng và phát triển mô hình tổ hội nghề nghiệp vẫn còn không ít khó khăn. Cụ thể, nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động của mô hình chậm đổi mới, chưa thu hút được nhiều hội viên nông dân tham gia. Một số cơ sở hội chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, nhất là việc định hướng cho nông dân phát huy thế mạnh của lĩnh vực sản xuất ưu thế của địa phương. Đáng nói, một số tổ hội nghề nghiệp được thành lập còn mang tính hình thức, việc lựa chọn, định hướng xây dựng mô hình ngành nghề phù hợp còn lúng túng. Trong khi đó, nguồn vốn vay để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các tổ hội.Để các tổ hội nghề nghiệp duy trì hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia, thời gian tới, HND TP Hà Nội tiếp tục định hướng các tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ cho đô thị. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Bên cạnh đó, cùng với nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp tổ hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Triển khai thực hiện mô hình tổ hội nghề nghiệp là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, phù hợp với xu hướng tất yếu của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, Hội sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các mô hình đa dạng về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chủ tịch HND TP Hà Nội Lê Trọng Khuê |