Tất cả đều do con người gây ra
Theo ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Hà Nội là một địa phương đi tiên phong trong cả nước về xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) . Sau một thời gian triển khai, nhận thức của đa số cán bộ, đảng viên, và nhân dân Hà Nội về văn hóa giao thông đã bước đầu được nâng lên. Tuy nhiên, hiệu quả về chiều sâu còn hạn chế, mà rõ nhất là không lâu bền, nên chưa tạo thành nền nếp mới trong nhận thức người dân.
Có 3 yếu tố quan trọng để xây dựng VHGT là cơ sở hạ tầng giao thông, cưỡng chế và giáo dục. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện nay rất nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Xuân Tân - PGĐ Sở GTVT, tỷ lệ quỹ đất dành cho GTVT còn quá thấp (hiện tại chỉ chiếm khoảng 6 - 7 % diện tích đất đô thị); mạng lưới đường phân bố không đều; đường trong đô thị thường ngắn và hẹp nên khả năng thông qua bị hạn chế (trên 70% tuyến đường có mặt cắt < 11m). Do chưa có tuyến vành đai nào hoàn chỉnh nên phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách quá cảnh qua Hà Nội phải đi vào nội thành, tạo sức ép rất lớn lên hệ thống giao thông nội đô. Hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe, thiếu về số lượng và kém về chất lượng phục vụ (mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu).
Những hạn chế này, kéo theo nhiều bất cập khác. Theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CA TP Hà Nội), một tình trạng phổ biến hiện nay mà người tham gia giao thông mắc phải đó là họ không quan tâm đến việc họ có được đi hay không (tức là đi theo đúng quy định của pháp luật) mà chỉ quan tâm đến việc có đi được hay không (theo ý thức chủ quan kể cả biết là sai luật). Từ đầu năm đến nay, có khoảng 100 vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là do người tham gia giao thông không chấp hành đèn tín hiệu giao thông.
Chung quan điểm về ý thức con người, nhà văn Giang Quân khẳng định - "Nhân cách con người tác động đến văn hoá ứng xử trong giao thông. Tất cả đều do con người gây ra".
Kiên trì sẽ đạt được hiệu quả
Bàn về giải pháp xây dựng VHGT, ông Michimasa Takagi - Cố vấn trưởng Dự án an toàn giao thông( ATGT) Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, đào tạo lái xe chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng, chứ chưa đào tạo những vấn đề liên quan phía sau đó, ví dụ như về xây dựng VHGT. Ở Nhật Bản, xây dựng VHGT được tiến hành rất kiên trì và bắt đầu từ cấp tiểu học. Trong suốt 5 năm, có khi ngày nào cũng học một bài giống nhau để đào tạo cho được kỹ năng cần thiết về giao thông. Cũng nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông liên tục giảm dần. Những năm 70 của thế kỷ trước, Nhật Bản có hàng chục nghìn người chết/năm vì tai nạn giao thông, giờ chỉ còn chưa đầy 5.000 người chết/năm. Vì thế, ông đề xuất, không nên tuyên truyền quá nhiều hành động trong một thời gian, mà chỉ nên chọn một vài hành động quan trọng rồi tập trung tuyên truyền thực hiện cho được.
Nói về kinh nghiệm xây dựng VHGT, Tiến sỹ Tuenjai Fukuda, chuyên gia văn hoá an toàn giao thông của JICA cho biết, xây dựng và tuyên truyền văn hoá giao thông ở Nhật Bản cũng gồm 3 chính sách lớn tương tự như Việt Nam. Đây cũng là những biện pháp giảm tai nạn giao thông hiệu quả mà Thái Lan áp dụng. Tuy nhiên, cùng với phát huy vai trò của cả cộng đồng, cả Nhật Bản và Thái Lan đều thường xuyên xây dựng và cập nhật bản đồ các điểm nguy hiểm thường xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
Như vậy, công tác tuyên truyền cần phải đi vào thực chất. Để giảm ùn tắc, Thành phố cần phát triển mạnh xe buýt và các phương tiện vận tải công cộng. Đi đôi với đó rất cần chú trọng chấn chỉnh các hành vi thiếu văn hoá của những người điều khiển phương tiện công cộng như: nói tục, quát mắng hành khách, sử dụng còi bừa bãi, lái ẩu...
Còn giải pháp về tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng cần đi đôi với việc xử lý nghiêm khắc theo quy định của từng cấp, từng ngành, nhằm làm cho cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân chuyển biến về nhận thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Thực tiễn những năm qua cho thấy, sau khi có Nghị quyết liên tịch ký giữa CA TP và Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội, thì số học sinh đi xe máy đã giảm. Đây là một kinh nghiệm quý để triển khai thực hiện Thông tư số 38/2010/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 12/10/2010 về việc quy định thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT về nơi cư trú, công tác, học tập.
Ông Học nhấn mạnh, để cải thiện tình trạng ATGT của Hà Nội, cần thực hiện đồng bộ cả 3 yếu tố trong xây dựng văn hoá ATGT. Trong đó, các hoạt động giáo dục ATGT trong nhà trường phải được tiến hành thường xuyên liên tục ở mọi bậc học song song với hoạt động giáo dục ngoài xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, các tổ chức, đoàn thể và cả cộng đồng trong xây dựng VHGT, sát cánh cùng các lực lượng chức năng như cảnh sát, thanh tra giao thông. Thành phố cần sớm xây dựng và công bố bản đồ những "điểm đen" hay gây ra ùn tắc giao thông. Đồng thời cần làm tốt hơn công tác nhân rộng điển hình trong xây dựng văn hoá ATGT.