Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng văn minh đô thị: Nghịch lý từ kinh tế vỉa hè

Nguyễn Vũ Quỳnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nước ta, nhà mặt tiền cũng là nơi thu tiền mặt nhanh nhất, giải quyết kinh tế cho hộ gia đình nhanh nhất và cũng là nơi có nhiều hộ đóng góp cho ngân sách... Tuy nhiên, không vì kinh tế mà mất đi mỹ quan đô thị.

Nền kinh tế vỉa hè
Trong thời buổi kinh tế thị trường, hàng hóa được đưa về các khu phố, đường phố, kể cả ngõ ngách. Chưa bao giờ ở nước ta việc mua bán diễn ra trên các tuyến phố, con đường dày đặc như bây giờ. Những căn nhà mặt tiền đường phố là nơi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ăn uống, phục vụ con người đến chân tơ kẽ tóc. Hàng hóa, dịch vụ sang trọng có, trung bình có, kể cả hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng.

Nhà mặt tiền trên đường phố là nơi kéo theo nhiều lao động ăn theo, buôn bán vặt, đủ các loại nghề bày ra trên hè phố, bán dạo hàng rong trên phố. Tuy nhiên, cũng có một số dịch vụ thời bao cấp nghèo khó bây giờ không còn nữa như: Bơm mực bút bi, vá dép nhựa, bơm quẹt ga, dán áo mưa...
 Buôn bán, đậu xe lấn chiếm vỉa hè ở đường Hải Triều đã đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Ảnh: Vũ Quỳnh
Mặt tiền đường phố bây giờ xuất hiện đủ loại bảng hiệu quảng cáo. Biển to, biển nhỏ, nhô ra, thụt vào, cao thấp, đủ loại màu mè, mọc lên như nấm sau mưa, tạo nên những phố mặt tiền hỗn độn, ồn ào. Đường phố là nơi tiếp thị hàng hóa nhanh nhất, cũng là nơi buôn bán từ sáng tới khuya. Nhiều lắm những tiện lợi, bất lợi sẵn có từ nhà phố, đường phố tạo nên bởi hàng hóa, ăn uống. Nhìn đường phố những tháng cuối năm này nhất là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và TP, thị xã của các tỉnh, thành khác thì hàng hóa tràn về nhiều vô kể. Sức mua từ “nền kinh tế vỉa hè" này tăng vọt, kéo theo sự chật chội của đường phố và an ninh trật tự đô thị khó giữ gìn.

Hệ lụy từ văn hóa giao thông và văn minh đô thị

Hàng hóa từ các cửa hàng hè phố nhập về bán ra tấp nập, lượng người dừng xe, gửi xe, đi bộ mua hàng trên từng con phố, con hẻm, ngóc ngách tạo nên sự chật chội, mất an toàn giao thông, không còn lối đi cho người đi bộ. Có lẽ trên thế giới này chưa nơi đâu coi hè phố, vỉa hè nơi công cộng dùng chung trước cửa nhà mình mặc sức chiếm dụng như ở nước ta.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Nước ta có văn hóa giao thông hay chưa? Người ta có học luật giao thông và chấp hành luật giao thông hay không? Tại sao người ta chiếm dụng vỉa hè nơi dùng chung cho mọi người đi bộ mà coi như của nhà mình mặc sức kinh doanh? Đô thị của chúng ta đã văn minh chưa? Tại sao luật pháp chưa nghiêm? Tại sao nước ta nhiều phương tiện giao thông như xe máy, xe con mà ít đi lại bằng phương tiện công cộng dùng chung?... Các cơ quan quản lý Nhà nước đã tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở, xử phạt hay chưa? Xin thưa có cả rồi đấy nhưng tại sao vẫn tồn tại những hệ lụy không văn minh đẹp đẽ chút nào?
Trong khi đó, nếu ở gần ngã ba, ngã tư..., người tham gia giao thông bằng xe đạp, xe máy cứ tự nhiên lao lên vỉa hè, xô đẩy người đi bộ, hàng hóa đồ vật trên vỉa hè. Có một điều dễ mắc kẹt nhất, ách tắc nhất ở các đô thị là khu phố cổ, khu vực xây dựng từ thời Pháp đường phố rất nhỏ mà vỉa hè lại bị lấn chiếm.

Bây giờ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đường to, nhỏ thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc vì ai cũng chiếm phố chiếm đường khi tham gia giao thông và buôn bán. Người tham gia giao thông không có ý thức chấp hành luật giao thông, ngang nhiên lấn lên phía trước, tắc đường. Người buôn bán trên vỉa hè, cộng với xe máy để trên vỉa hè và người đi xe máy lao lên vỉa hè tạo nên một ma hồn trận ách tắc gây nên ô nhiễm môi trường với đủ các loại rác thải. Không ít du khách nước ngoài đến Việt Nam lắc đầu, ngạc nhiên, thậm chí sợ hãi mỗi khi sang đường vào thời gian từ 6 - 8 giờ sáng, chiều từ 17 - 19 giờ tối và những hôm trời có mưa. Cái cột điện đèn, cột điện thoại, dây điện, điện thoại, cáp truyền hình như mạng nhện, treo lơ lửng giữa không gian mặt phố gây chật chội, phản cảm, mất an toàn.

Vấn đề là ý thức của mọi người

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật và dưới luật về bảo đảm an toàn giao thông, văn minh đô thị, văn hóa kinh doanh, trật tự an toàn xã hội. Các quận huyện, phố phường đã tổ chức hàng trăm lần ra quân chấn chỉnh trật tự vỉa hè, buôn bán trên hè phố. Hàng trăm nơi đậu xe mới được tổ chức lại, được kẻ vạch sắp xếp nơi đậu xe trên vỉa hè nơi rộng rãi, có người trông coi xe. Tổ chức tuyên truyền đồng thời áp dụng cả biện pháp xử phạt bất kể ai, cán bộ hay dân, xe biển trắng, biển xanh hay biển đỏ như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã làm. Song tất cả chưa đủ để răn đe những người không chấp hành. Vì sao? Vì chúng ta chưa tuyên truyền giáo dục triệt để đến hộ kinh doanh người bán hàng rong, người tham gia giao thông. Vì còn lợi ích nhóm trong quản lý đường phố. Vì một bộ phận người dân chưa gương mẫu chấp hành. Vì xử phạt chưa nghiêm minh, còn vị nể, vị tha...

Có một điều tiên quyết quan trọng bậc nhất để điều chỉnh mọi người chấp hành, đó là ý thức. Ý thức quyết định sự uy nghiêm, kỷ cương của pháp luật cộng với xây dựng cơ sở hạ tầng rộng, đẹp và trang trí mặt tiền đường phố một cách văn hóa, không thể để mọi người tùy thích muốn làm gì cũng được. Điều trước tiên cán bộ, công chức, viên chức, công an, quân đội, chính quyền, cơ quan đoàn thể… phải gương mẫu chấp hành. Người dân phải được tuyên truyền chấp hành luật pháp và có ý thức tự giác chấp hành.

Sau một thời gian ra quân rầm rộ “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ, bây giờ một số đường phố có phần gọn gàng hơn đôi chút, bởi những chế tài của các địa phương nhưng chưa thấm tháp vào đâu. Những tháng, những ngày cuối năm đang đến gần, “nền kinh tế vỉa hè” đang bước vào mùa bội thu nhất. Làm sao để bán được nhiều hàng hóa nhất, phục vụ người tiêu dùng tốt nhất nhưng đường vẫn thông, hè thoáng nhất, an toàn, thiết lập kỷ cương văn minh đô thị? Câu trả lời là cần ý thức của từng nhà, của mọi người kinh doanh, mua bán, làm dịch vụ ăn uống, tham gia giao thông. Cộng với đó là sự cương quyết thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền.