Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong 5 năm tới, vận tải hành khách công cộng ở thủ đô vẫn chỉ dựa vào xe buýt. Mỗi năm, ngân sách phải trợ giá hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá. Trong khi đó, việc tổ chức bán vé, quản lý, điều hành và giám sát lại đang thực hiện bằng hình thức thủ công, bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, hình thức bán vé thủ công dễ gây thất thoát; vé in vừa tốn kém vừa dễ bị làm giả, quay vòng; dễ phát sinh tiêu cực, không kiểm soát chính xác lượng khách. Hệ thống phân phối bị hạn chế về thời gian, điểm bán, không thể phục vụ 24/24h... Việc quản lý, điều hành chủ yếu qua điện thoại; báo cáo thống kê thủ công nên hiệu quả thấp, tốn thời gian do hầu hết xe chưa trang bị hệ thống giám sát hành trình thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Sở Giao thông Hà Nội khẳng định, xây dựng hệ thống vé điện tử (Q-Ticket) và GPS cho cơ quan quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế, giảm thất thoát, giảm chi phí cho khâu phát hành vé, giảm nhân lực soát vé trên xe buýt. Trong tương lai, nếu chuyển qua các hình thức vận tải công cộng khác, hệ thống này cũng dễ dàng tích hợp. Đối với người dân, việc tiếp cận, thanh toán cũng dễ dàng hơn nhiều. Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ hệ thống vé điện tử và quản lý thông qua GPS là 270 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn một dự kiến áp dụng trên 17 tuyến, sau đó nhân rộng toàn bộ các tuyến buýt ở thủ đô. Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, nếu được chấp thuận, dự án sẽ theo hình thức xã hội hóa. Hiện, công ty Hanel đề xuất xin được đầu tư xây dựng hệ thống này. Nếu được chấp thuận, cuối năm 2012 sẽ bắt đầu giai đoạn 1.