Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt ở Hà Nội - Bước chuyển mình ấn tượng

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện Hà Nội đã có 91 tuyến xe buýt với 1.482 phương tiện, mức độ bao phủ đạt 71,7%, lượng hành khách sử dụng đạt trên 430 triệu lượt/năm.

Cùng với việc phát triển mạng lưới tuyến, TP cũng quan tâm đầu tư một hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, đồng bộ đảm bảo cho dịch vụ vận hành đúng tiêu chí, thuận tiện, an toàn.
Những bước chuyển mình ấn tượng
Xe buýt đã xuất hiện tại Hà Nội từ nhiều thập niên trước, thế nhưng phải đến những năm 2000 xe buýt mới có những bước phát triển rõ rệt, đóng vai trò chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Trong vòng 15 năm trở lại đây, số tuyến xe buýt đã tăng 2,7 lần, lượng phương tiện tăng 4,2 lần, sản lượng vận chuyển tăng 29 lần, xe buýt đã đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô. Song song với sự gia tăng mạnh mẽ cả về chất và lượng xe buýt, một hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư trải rộng trên địa bàn TP phục vụ đắc lực cho sự vận hành của mạng lưới VTHKCC.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý & Điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, hiện toàn TP có 2.210 điểm dừng xe buýt, 363 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển (Long Biên, Cầu Giấy, Nhổn, Trần Khánh Dư, Hoàng Quốc Việt), 76 điểm đầu cuối và 1,3 km đường dành riêng trên đường Yên Phụ. Cự ly bình quân giữa các điểm dừng cũng được rà soát điều chỉnh đảm bảo cự ly tiếp cận hợp lý. Theo khảo sát, cự ly trung bình giữa các điểm dừng trong nội thành là 500 - 600m; ở ngoại thành là 800 - 1.000m. Anh Nguyễn Minh Thái (Hà Đông) cho biết: “Năm 2002, khi còn là sinh viên tôi cũng thường xuyên đi xe buýt. Tôi còn nhớ khi đó hình ảnh các điểm dừng tươi mới khá lạ lẫm, nhà chờ lại càng lạ. Chính những điểm dừng, nhà chờ mới mẻ, tiện lợi đó là một trong những yếu tố khiến tôi lựa chọn đi xe buýt”. Anh Thái chia sẻ thêm, chính nhờ hệ thống điểm dừng, nhà chờ phù hợp, tiện lợi mà người dân biết đến xe buýt, chọn lựa sử dụng xe buýt ngày càng nhiều hơn. Có thể nói, ngoài chức năng là đầu mối hấp dẫn hành khách, đảm bảo an toàn vận hành cho xe buýt, hình ảnh các điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển của xe buýt Hà Nội còn góp phần tích cực trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh xe buýt Thủ đô, kết nối thuận tiện, an toàn xe buýt với hành khách. Nhiều vị khách nước ngoài đến với Hà Nội cũng đánh giá rất cao sự xuất hiện của các nhà chờ có mái che, chỗ ngồi, vừa văn minh lịch sự, vừa giúp hành khách tránh mưa nắng trong lúc chờ xe.
Còn nhiều việc phải làm
Có thể thấy rõ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt đã phát triển mạnh trong những năm vừa qua. So với năm 2010, số lượng điểm dừng đỗ đã tăng 60,9%, nhà chờ tăng 26,7%, điểm trung chuyển tăng 150%, điểm đầu cuối tăng 48%. Tuy nhiên, hệ thống vẫn bộc lộ một số bất cập tồn tại cần tiếp tục quan tâm, điều chỉnh và cải thiện. Trước tiên, theo định hình của mạng lưới hệ thống nhà chờ hiện phân bố chưa đều; hiện có khoảng 90% số nhà chờ và 60% điểm dừng đều nằm trong khu vực nội thành. Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Chương - Đại học GTVT cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do mạng lưới tuyến xe buýt chưa phát triển rộng khắp, thiếu quỹ đất để xây dựng các điểm đầu cuối quy mô, thu hút hành khách khu vực ngoại thành. Ngoài ra, ngay chính trong khu vực nội thành cũng đang rất thiếu các điểm trung chuyển (chỉ có 5 điểm), thực tế này khiến việc triển khai kết nối giữa các tuyến xe buýt hiện nay và của xe buýt với các phương thức vận tải khác trong tương lai gần sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, hệ thống hạ tầng hiện có tuy đã được định hình rõ ràng, đang phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho xe buýt Hà Nội nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
 Xe buýt hoạt động trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông nhận định, về lâu dài, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện VTHKCC chính của Hà Nội bên cạnh những loại hình mới như: đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT. Bởi vậy, TP cần tiếp tục đầu tư phát triển và cải thiện chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt. Trong đó nên đặc biệt lưu ý đến việc bố trí quỹ đất để xây dựng thêm các điểm trung chuyển, điểm đầu cuối, tăng số lượng nhà chờ có mái che, bảng thông tin điện tử. Cùng với đó, phải duy trì liên tục, có hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà chờ, điểm dừng, điểm trung chuyển hiện có. “Nhà chờ, điểm trung chuyển thuận tiện, văn minh lịch sự sẽ góp phần thu hút ngày càng nhiều người dân tìm đến với xe buýt Hà Nội” - ông Thông khẳng định. Một yếu tố nữa được nhiều chuyên gia giao thông đô thị quan tâm là cự ly giữa các điểm dừng chờ xe buýt hiện nay đã được quan tâm điều chỉnh hợp lý nhưng cần quan tâm đến việc bố trí thêm các điểm dừng, nhà chờ khu vực ngoại thành.
Một việc rất quan trọng khi bố trí quỹ đất để đầu tư, cải thiện các điểm trung chuyển, đầu cuối xe buýt là cũng cần quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu hành khách đi xe buýt như: chỗ gửi xe, chuỗi cung ứng các dịch vụ ăn uống, mua sắm thiết yếu. TS Đặng Minh Tân – Đại học GTVT cho biết, ở những nước phát triển, các ga đường sắt đô thị hay trạm trung chuyển, đầu cuối của mạng lưới xe buýt đều được chú trọng phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ này. “Có nơi gửi xe, có hàng hóa để mua sắm, tiết kiệm thời gian cho hành khách sẽ thu hút đáng kể sự quan tâm của người dân đến các loại hình VTHKCC” - ông Đặng Minh Tân nói.