Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe “dù” đội lốt xe hợp đồng: Sản phẩm của tư duy “bàn giấy”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện rất nhiều xe khách tiếng là xe hợp đồng (XHĐ) nhưng lại thường xuyên len lỏi vào các phố trung tâm dừng, đỗ, đón, trả khách đi các tỉnh tùy tiện gây mất trật tự ATGT.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc để lộ kẽ hở cho DN vận tải đội lốt XHĐ vận chuyển khách liên tỉnh lâu nay là hệ quả tất yếu từ cung cách làm việc có phần thiếu thực tế của đội ngũ tham mưu cho Bộ GTVT.

Cơn nhức đầu kinh niên

Trong cả Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT lẫn Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ đều chỉ quy định các yếu tố thủ tục với XHĐ từ 10 chỗ trở lên, còn tịnh không nhắc đến XHĐ dưới 10 chỗ. Một khi đã không thuộc diện phải báo cáo trước về lộ trình, lượng khách, thời gian, địa điểm đưa đón… với Sở GTVT địa phương, XHĐ dưới 10 chỗ coi như được thả cửa, không cần “lách” cũng qua luật. Chính “nhờ” kẽ hở đó, xe Limousine 9 chỗ đang trở thành luồng gió mới, thổi sinh khí dồi dào vào lực lượng ô tô vận tải hành khách liên tỉnh trá hình.
Xe “dù” đón khách tại nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng. 	Ảnh: Công Trình
Xe “dù” đón khách tại nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng. Ảnh: Công Trình
Thay vì đăng ký tuyến, nộp lệ phí bến, dừng đỗ đón trả khách theo quy định, các xe mang danh XHĐ dưới 10 chỗ này chỉ cần kè kè bên mình một bộ hồ sơ khống gồm: Hợp đồng vận chuyển, danh sách khách hàng làm bùa hộ thân. Đôi khi hồ sơ để trắng chờ điền thông tin nếu cần đối phó hoặc điền sẵn, “tròn bài” đến nỗi các lực lượng chức năng phải xuôi tay ngậm ngùi cho qua. Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải nói: “Phải cho qua chứ biết làm thế nào. Luật không quy định XHĐ dưới 10 chỗ phải gửi thông tin hợp đồng về Sở GTVT, giữa đường có dừng xe kiểm tra cũng chẳng biết đối chiếu vào đâu mà xác minh thông tin hợp đồng của loại xe dưới 10 chỗ này”.
Có ý kiến nhận xét: “Nếu chuyên gia giao thông mà đi đâu cũng có xe đưa đón thì làm sao mà hiểu hết các góc khuất của kinh doanh vận tải”.

Xe Limousine 9 chỗ chui sâu vào nội thành, luồn lách mọi hang cùng ngõ hẻm, đến bất cứ đâu có khách gọi, đeo phù hiệu XHĐ nhưng chuyên chở khách trên nhiều tuyến liên tỉnh như: Hà Nội đi Thái Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An… Phát hiện xe vi phạm đã khó, xử lý còn khó hơn, bởi ngay chính những hành khách sử dụng loại hình dịch vụ này cũng sẵn sàng “bênh” nhà xe, nhận là khách hợp đồng. Một hành khách thường xuyên đi loại XHĐ trá hình tuyến Hà Nội - Quảng Ninh cho biết: “Tôi chẳng biết Thông tư, Nghị Định nào cả, chỉ cần tiện, thoải mái là tôi đi, đưa đón tận nơi, rộng rãi, chất lượng, nói giúp họ vài câu lúc gặp CSGT hay Thanh tra GTVT thì có khó gì”. Cùng với sự "hớ hênh" của luật, sự tinh quái, tham lam của DN đang tạo nên thách thức lớn cho tính minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Không chỉ các DN làm ăn chân chính thua lỗ, Nhà nước cũng là nạn nhân bị XHĐ trá hình móc túi trắng trợn các khoản thuế phí, trả lại hệ lụy là gia tăng áp lực giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt trong lòng các TP lớn.

Ngồi máy lạnh nghĩ cách tham mưu?

Trong Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô diễn ra gần đây do Bộ GTVT tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền thừa nhận, các quy định quản lý XHĐ chưa chặt chẽ. Còn nhiều xe "dù" lợi dụng danh nghĩa XHĐ để đón, trả khách trái quy định, cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nói: "Để quản lý loại phương tiện xe du lịch, XHĐ, Limousine, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đưa ra các tiêu chí theo hướng tách bạch, rạch ròi các loại hình vận tải, không để xe chạy trá hình như hiện nay”. Những động thái này thể hiện quyết tâm không thể nghi ngờ của Bộ GTVT, thế nhưng vấn đề là những kẽ hở đã có từ lâu, hệ lụy của chúng đã thấm vào tận xương DN và xã hội, lại một lần nữa ngành GTVT “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Việt Nam chưa phát triển đa dạng, cân đối các loại hình vận tải hành khách, ô tô vẫn là phương tiện chuyên chở, phục vụ kinh doanh chính, đặc thù đó lẽ ra phải được xem xét từ thực tế đa chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, đặt XHĐ dưới 10 chỗ ra ngoài nhóm đối tượng quản lý thông tin, lộ trình là ấu trĩ theo kiểu “thả gà ra đuổi”. Vé xe Limousine đắt gấp đôi, ba lần vé xe khách thông thường, nghĩa là nhà xe trả chi phí nhiên liệu 1 đồng, doanh thu 3 đồng lại không mất phí bến bãi, đăng ký kinh doanh… mối lợi quá lớn, DN nào chẳng thèm muốn. Nếu các chuyên gia của Bộ GTVT đặt mình vào địa vị hành khách sẽ thấy, họ sẵn sàng trả giá cao hơn để được đưa đón tận nơi, tiện lợi mà lại sang.

Muộn còn hơn không

Giờ đây, không chỉ các DN làm ăn chân chính mà cả các Sở GTVT địa phương cũng đang cùng nhau kêu trời về kẽ hở quản lý XHĐ dưới 10 chỗ. Phó Phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển đề xuất: “Chúng ta cần chặn XHĐ lách luật bằng cách đưa loại xe từ 8 chỗ trở lên vào diện bắt buộc phải thông báo về hai đầu bến thông tin trước mỗi chuyến đi”. Thực trạng xe dù, bến cóc nhức nhối lâu nay có phần đóng góp không nhỏ của các xe đội lốt XHĐ vận tải hành khách liên tỉnh. Đội ngũ xe dù này đang ngày ngày gia tăng áp lực giao thông, đặc biệt trong lòng các TP lớn, làm rối loạn thị trường vận tải hành khách bằng ô tô… nhưng Nghị định, Thông tư đâu thể một sớm, một chiều có thể sửa đổi ngay.

Điểm qua một vài vấn đề nổi cộm gần đây có thể thấy không ít ví dụ về cung cách làm việc có phần thiếu thực tế của Bộ GTVT. Ví dụ như việc cho nhập ô tô vận tải hàng hóa kích thước nguyên bản theo Thông tư 32/TT-BGTVT, rồi lại yêu cầu cắt bớt thành thùng tại Thông tư 42/TT-BGTVT; Trạm thu phí, mức thu, cách thu bất hợp lý khiến dư luận bức xúc với các tuyến đường BOT, để rồi vội vã ra hết quy định này đến quy định khác, chạy theo “chữa cháy”. Quy định đối với XHĐ dưới 10 chỗ cũng không ngoại lệ. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành GTVT nước ta, xây dựng luật mất quá nhiều thời gian mà vẫn không hoàn chỉnh, công đi sửa sau đó, cái giá phải trả cho những kẽ hở đó khó mà tính đếm hết được.

Bộ là cơ quan cao nhất của ngành GTVT, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành toàn hệ thống vận tải của đất nước. Xây dựng quy định quản lý cần phải có sự khảo sát thực tế kỹ càng, mỗi kẽ hở trong luật sẽ gây thiệt hại khôn lường cho nền kinh tế, cho xã hội và đáng sợ nhất là làm xói mòn lòng tin của DN cũng như người dân. Một khi lòng tin lung lay, những mánh khóe làm ăn nhập nhèm có đất sống, tạo ra nguồn lợi lớn, DN chắc chắn sẽ làm tất cả để chạy theo lợi nhuận. 
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên từng rất bức xúc cho rằng: “Lực lượng tham mưu cho Bộ GTVT toàn những người ngồi bàn giấy, phòng lạnh, có mấy khi đi khảo sát thực tế, tham mưu không chính xác là phải”. Mặt khác, Bộ GTVT lại là cơ quan tham mưu cho Chính phủ để ra các Nghị định về quản lý kinh doanh vận tải. Bộ không nắm chắc vấn đề, để hở luật, như một hệ quả xâu chuỗi tất yếu, Chính phủ cũng theo đó ban hành những Nghị định chưa toàn diện, kín kẽ.