Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe “dù” vẫn ngang nhiên hoạt động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phần lớn những taxi "dù" thường đón khách ở khu vực các bến xe. Khi gặp những khách từ ngoại tỉnh về Hà Nội còn lạ nước lạ cái, nhiều lái xe taxi "dù" lại tranh thủ "vặt" khách. Thủ đoạn chung của những taxi "dù" là khi bắt được khách thì đon đả mời chào nhưng lại không bật đồng hồ tính tiền mà trấn an khách bằng những câu như "giá cả phải chăng" để khách yên tâm...

Cũng đèn mào, đồng hồ tính cước, phù hiệu, logo nhưng đều là giả, taxi dù ngang nhiên chèo kéo, "móc túi" khách hàng, đặc biệt là khách du lịch. Dù năm nào Thanh tra giao thông vận tải cũng phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động taxi, nhưng sau một thời gian, hoạt động của taxi dù vẫn khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt, sau 4 năm Hà Nội thực hiện cấp phù hiệu taxi với mong muốn đẩy lùi taxi dù, nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Nhan nhản taxi "dù"

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo CAND, chị Hoàng Thị Lan, ở tập thể Đài Phát thanh truyền hình, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Ngày 15/10 do có việc gấp, chị vẫy một chiếc taxi hiệu xe Hyundai Getz màu xanh đang đỗ đầu ngõ. Bước lên xe, chị Lan mới giật mình vì lái xe không mặc đồng phục, logo taxi bị bong tróc vì nước mưa.

Chị Lan yêu cầu lái xe cho đến ngã ba Trần Hưng Đạo - Dã Tượng. Khi xe đã chuyển bánh mà chiếc đồng hồ tính tiền vẫn chưa thấy nhảy, sốt ruột, chị Lan yêu cầu lái xe bật đồng hồ thì lái xe thản nhiên đáp: "Xe em không tính giá theo đồng hồ nhưng chị yên tâm, giá được tính chuẩn". Nghe lái xe nói vậy, lại thường xuyên đi taxi đoạn đường này nên chị Lan yên tâm.

Đến ngã ba Trần Hưng Đạo - Dã Tượng, lái xe buông câu chốt: "7km, chị cho em xin 100.000 đồng". Chị Lan giật mình vì giá cao ngất ngưởng bởi lẽ bình thường chị đi taxi, mặc dù các hãng taxi khác nhau nhưng giá cũng chỉ dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng.

Chị Lan bức xúc phản ứng: "Tôi không trả giá cao như vậy được. Thường ngày tôi chỉ đi 60.000 đồng, tôi trả anh 60.000 đồng". Thấy vậy, lái xe taxi này kiên quyết không đồng ý, còn có lời nói với vẻ đe dọa: "Đưa tiền đây nhanh lên. Không đưa đừng trách bố mày!". Vì chỉ có một mình, trời tối nên chị Lan đành phải rút tờ 100.000 đồng ra trả.

Thủ đoạn chung của những lái xe taxi "dù" là khi bắt được khách thì đon đả mời chào nhưng lại không bật đồng hồ tính tiền mà trấn an khách bằng những câu như "giá cả phải chăng" để khách yên tâm. Phần lớn những taxi "dù" thường hay đón khách ở khu vực các bến xe. Khi gặp những khách từ ngoại tỉnh về Hà Nội còn lạ nước lạ cái, nhiều lái xe taxi "dù" lại tranh thủ "vặt" khách.

Chẳng thế mà, trong một lần từ Nam Định về Hà Nội thăm con đang học tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, gia đình ông Phạm Thế Toàn, huyện Vụ Bản, Nam Định đã "dính" phải chiếc taxi "dù" đang "nằm dài" trong Bến xe Giáp Bát để chờ khách.

Lái xe không bật đồng hồ tính cước mà thoả thuận trước giá tiền: "Từ đây đến cầu Vĩnh Tuy, con lấy bác giá hữu nghị là 250.000". Lần thứ 2 về Hà Nội chơi, lại gặp anh tài xế taxi nhiệt tình xách đồ, chỉ dẫn đường đi nên bác Toàn yên tâm. Thế nhưng, đến khi kể chuyện cho con gái nghe, ông Toàn mới ngã ngửa người vì biết mình gặp phải taxi "dù" ăn chặn tiền cước. Thông thường đi từ Bến xe Giáp Bát đến chân cầu Vĩnh Tuy, giá cước taxi chỉ khoảng hơn 100.000 đồng.

Cần mạnh tay xử lý

Năm 2007, Hà Nội bắt đầu cấp phù hiệu cho taxi. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm đẩy lùi taxi "dù". Nhưng đến nay, sau nhiều năm người dân đã quen với việc taxi có phù hiệu thì việc taxi "dù" hoạt động vẫn diễn ra khá phức tạp.

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: "Taxi dù có giảm so với trước, nhưng vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức để trốn tránh lực lượng kiểm tra như scan lại phù hiệu taxi. Để chống việc này, trên mỗi phù hiệu đều có dấu chống giả nên khi scan lại bị đen rất dễ phát hiện".

Cấp phù hiệu taxi, theo ông Mạnh là cần thiết. Vì cấp phù hiệu sẽ làm cho việc kiểm tra chất lượng phương tiện được thường xuyên hơn, giúp cho lực lượng kiểm tra quản lý số lượng taxi trên địa bàn thành phố. Phù hiệu taxi còn giúp cho khách hàng dễ nhận biết, phân biệt được đâu là taxi chính hãng, đâu là taxi "dù".

Mặc dù từ tháng 3/2010 đến nay, Hà Nội tạm dừng cấp phù hiệu cho taxi mới, nhưng trên địa bàn hiện có 15.000 taxi của 114 hãng, phần lớn đã cấp phù hiệu. Việc quản lý số taxi trên cũng tương đối vất vả vì hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp có một lượng nhỏ xe không có phù hiệu nhưng vẫn chạy. Lý do mà những xe này không được cấp phù hiệu là chưa làm được thủ tục. Thường đây là những xe của cá nhân, sau đó "cổ phần" vào các doanh nghiệp taxi, nên chưa được cơ quan quản lý cấp phù hiệu vì chưa đủ điều kiện kinh doanh. Tình trạng "bán thương hiệu" taxi diễn ra khá nhiều, dẫn tới khách hàng bị chộp giựt, "móc túi".

Ngang nhiên hơn, nhiều taxi dù đã nhái thương hiệu của các hãng taxi để hoạt động, bắt chẹt du khách. ông Hoàng Văn Mạnh cho biết, trong 2 tháng qua lực lượng Thanh tra giao thông đã kiểm tra và xử lý trên 40 xe taxi dù, trong đó nhiều xe gắn biển của các hãng taxi để bắt khách.

Trước tình trạng taxi dù chèn ép khách, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay trong việc kiểm tra, xử lý, đặc biệt phải tăng cường ở những tuyến phố có nhiều khách du lịch, góp phần giữ gìn hình ảnh du lịch cho Thủ đô. Theo ông Mạnh, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng thì khách hàng phải cẩn trọng, không đi xe dù, xe không có phù hiệu để tránh bị lừa gạt, gian lận trong việc tính cước