Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem xét kỹ hơn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

Thanh Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/11, báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá những vấn đề đặt ra”.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Minh Hằng
Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Minh Hằng

Đại biểu tham gia tọa đàm là đại biểu Quốc hội, đại diện một số cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực thuế, hải quan và một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuốc lá trên cả nước.

Là cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức thuế suất hiện tại là 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng dần mỗi năm từ năm 2026 đến 2030. Cụ thể, có hai phương án đang được đưa ra để thực hiện lộ trình này. Tại phương án 1, tăng mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu từ 2.000 đồng/bao (năm 2026) lên 10.000 đồng/bao (năm 2030).

Mức thuế cho xì gà sẽ tăng từ 20.000 đồng/điếu lên 80.000 đồng/điếu (năm 2030); với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm sẽ tăng 20.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2026) lên 100.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2030).

Tại phương án 2, mức tăng với thuốc lá sẽ tăng bắt đầu từ 5.000 đồng/bao cho thuốc lá điếu và 50.000 đồng/điếu cho xì gà vào năm 2026; đến năm 2030 đạt mức tương ứng là 10.000 đồng/bao và 100.000 đồng/điếu.

Tại tọa đàm, các đại biểu đồng tình cho rằng, việc tăng thuế TTĐB thuốc lá là cần thiết. Tuy nhiên, tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế  Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc một lần nữa nhấn mạnh, qua lấy ý kiến cũng như khảo sát thực tế việc áp dụng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá cho thấy, dự thảo luật cần xem xét thận trọng các kịch bản có thế xảy ra khi thực hiện tăng loại thế này quá nhanh.

“Sản phẩm thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, trong khi thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu. Thất thu do thuốc lá lậu gây ra có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5 – 6 nghìn tỷ đồng hiện tại. Hoạt động SXKD của DN trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Kéo theo là việc làm của người lao động tại các nhà máy thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu, các nhà bán lẻ, ban buôn chịu nhiều tác động tiêu cực” - bà Nguyễn Thị Cúc nêu ý kiến.

Cùng với đó, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế dẫn chứng một số kinh nghiệm quốc tế trong mối tương quan giữa tăng thuế và tình trạng thuốc lá lậu như tại Úc, Pháp, Malayxia, Brazil... cho thấy việc tăng thuế thuốc lá hợp pháp quá cao, thời gian chuẩn bị cho việc áp dụng mức thuế mới này không phù hợp, thậm chí quá ngắn khiến người tiêu dùng xo xu hướng chuyển sang sử dụng các loại thuốc lá bất hợp pháp…

Trong khi công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu của lực lượng chức năng khá vất vả, hiệu quả vẫn chưa được như mục tiêu đề ra. Thậm chí theo Thượng tá Lê Thiện Thành - Phó trưởng phòng Hướng dẫn điều tra, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Biên phòng, các đối tượng buôn lậu không từ thủ đoạn, rất manh động, liều lĩnh.

Từ thực tế này, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, phòng, chống tác hại thuốc lá cũng như ngăn chặn thuốc lá nhập lậu không chỉ sử dụng công cụ thuế mà nó cần rất nhiều các biện pháp, giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thay đổi hành vi tiêu dùng. Tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá… quan trọng là để người tiêu dùng thay đổi thói quen, phải chuyển sang hành vi tích cực hơn, không phải đặt nặng vấn đề tăng thu ngân sách.

Mặc dù lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý xong tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: BTC
Mặc dù lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý xong tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: BTC

Chính vì thế, theo Chủ tịch Hiệp hội thuốc là Việt Nam Hồ Lê Nghĩa, trong trường hợp này, việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá là cần thiết song rất cần  có đánh giá tác động cụ thể, bám sát với thực tế, đề ra lộ trình để có sự chuẩn bị tốt hơn ở cả cơ quan quản lý cũng như hành vi người tiêu dùng, không gây những tác động tiêu cực. Đã có không ít những cảnh báo việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng.

Nêu số liệu cụ thể tại tọa đàm, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tráng A Dương, cho biết, năm 2016, Việt Nam tăng thuế TTĐB với thuốc lá từ 65% lên 70%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017. Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao năm 2021.

Ông Tráng A Dương nhấn mạnh, việc tăng thuế TTĐB không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tăng thuốc lậu song khi suy xét lại các cột mốc kể trên, nếu tăng theo lộ trình phù hợp sẽ giảm đi một nguy cơ khác là gia tăng việc buôn bán bất hợp pháp sản phẩm thuốc lá… Điều này rất cần cơ quan xây dựng dự thảo luật cân nhắc thận trọng.