Nghệ An:

Xem xét trách nhiệm quản lý nếu xảy ra đuối nước gây hậu quả nghiêm trọng

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Gần đây tại Nghệ An xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, đặc biệt là trẻ em. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống đuối nước.

Theo thống kê, từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 12 vụ đuối nước hết sức thương tâm khiến 16 người tử vong, chủ yếu là các vụ đuối nước ở trẻ em. 

Qua đánh giá, để xảy ra những vụ đuối nước thương tâm nói trên thường do địa phương chưa quan tâm, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống đuối nước; công tác phối hợp trong tuyên truyền vận động, cảnh báo nguy hiểm chưa thường xuyên, liên tục và chưa có sự đổi mới; lực lượng cảnh giới, thực hiện cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực người dân tập trung tắm chưa được bố trí hoặc đã bố trí nhưng quá ít so với yêu cầu; nhà trường, gia đình còn thiếu sát sao trong việc quản lý học sinh, con em mình;...

Trước diễn biến thời tiết trên địa bàn bước vào cao điểm nắng nóng kéo dài, nhu cầu tắm biển, sông, suối của người dân tăng cao, do đó tăng nguy cơ khả năng đuối nước, nhất là đuối nước ở trẻ em. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo cấp huyện, xã tăng cường công tác chỉ đạo, trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong công tác phòng chống đuối nước tại địa bàn. Thường xuyên kiểm tra địa bàn, khu vực nguy cơ cao, đốc thúc, kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ tại địa bàn, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt về phòng chống đuối nước. 
Tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt về phòng chống đuối nước. 

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thường xuyên đốc thúc các Sở, ngành, huyện, xã thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống đuối nước. Lập các đoàn kiểm tra đối với các địa phương, địa bàn thường xuyên xảy ra đuối nước, các vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng. Tham mưu UBND tỉnh lập đoàn liên ngành kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh toàn diện công tác phòng chống đuối nước ở các địa bàn trọng điểm.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, xã tham mưu UBND các cấp, huy động sự tham gia vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm từng ngành, từng cấp, từng tổ chức chính trị xã hội trong việc phòng chống đuối nước. Thực hiện tốt kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục, tổ chức các hoạt động, chương trình kỹ năng sống, ứng phó, xử lý các tình huống nguy hiểm, phòng chống đuối nước...

Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa nội dung cảnh báo về nguy cơ đuối nước, phòng tránh, kỹ năng cấp cứu đuối nước...vào chương trình học, nhất là bậc học tiểu học và THCS. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền về phòng chống đuối nước, phối hợp với phụ huynh thường xuyên nhắc nhở học sinh. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bơi cho giáo viên cốt cán môn thể dục, chỉ đạo các phòng giáo dục tổ chức tập huấn nhân rộng 100% cho giáo viên dạy thể dục để triển khai hướng dẫn học sinh.

Sở Giao thông vận tải siết chặt việc cấp giấy phép bến thủy nội địa, các phương tiện giao thông đường thủy, chú trọng các điều kiện đảm bảo phục vụ vận tải hành khách trên sông, xử lý nghiêm các vi phạm...; Sở Văn hóa tổ chức phối hợp phát động các phong trào toàn dân tập bơi, phòng chống đuối nước, tăng cường hoạt động dạy bơi, xã hội hóa xây dựng các bể bơi dạy bơi...

Các địa phương để xảy ra diễn biến đuối nước phức tạp hoặc hậu quả nghiêm trọng thì UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan nếu không triển khai đúng và có trách nhiệm trong công tác phòng chống đuối nước.