Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xén dải phân cách giữa đường Vành đai 3: Giải pháp hữu hiệu giải tỏa ùn tắc

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội kế hoạch xén dải phân cách giữa đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Linh Đàm (Hoàng Mai) - Mai Dịch (Cầu Giấy).

Đây được coi là giải pháp hữu hiệu, góp phần giải tỏa UTGT trên một trong những tuyến đường trọng yếu nhất của Thủ đô.
Lưu thông quá tải

Tuyến Vành đai 3 hiện là một trong những trục đường huyết mạch của Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm. Đoạn Vành đai 3 dưới thấp từ Linh Đàm (Hoàng Mai) - Mai Dịch (Cầu Giấy) hiện là khu vực chịu nhiều áp lực giao thông nhất trên toàn tuyến.
Xén dải phân cách giữa sẽ mở rộng đáng kể lòng đường Khuất Duy Tiến, phục vụ lưu thông. Ảnh: Minh Tường
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, dọc hai bên đoạn tuyến Linh Đàm - Mai Dịch hiện đang tập trung một lượng dân cư rất lớn, với hàng loạt các khu đô thị mới, xen kẽ giữa các khu vực dân cư cũ vốn đã rất đông đúc. Đoạn tuyến đường này đang bị quá tải trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân, đặc biệt là vào giờ cao điểm hoặc khi có thời tiết cực đoan.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, không chỉ chịu áp lực quá lớn, đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp Linh Đàm - Mai Dịch còn khó khăn trong tổ chức giao thông do hạ tầng thiếu đồng bộ. “Thiếu đồng bộ ở đây có 2 yếu tố. Thứ nhất là mặt cắt đường hẹp lại bị xung đột với các đường gom lên xuống của Vành đai 3 trên cao. Thứ hai là hiện hầm chui Lê Văn Lương vẫn chưa được xây dựng, đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) thì đang vướng thi công đường sắt đô thị, bị thu hẹp. Dẫn đến khả năng lưu thông trên đoạn tuyến không đồng đều, lưu lượng và nhịp độ giao thông diễn biến thất thường theo từng vị trí” - ông Thắng phân tích.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các công trình hạ tầng lớn như Hầm chui Lê Văn Lương, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội… còn cần thêm rất nhiều thời gian để hoàn thành. Mặt khác, quy mô dân số và phương tiện giao thông trong khu vực vẫn không ngừng gia tăng từng ngày. Bởi vậy, bên cạnh công tác tổ chức, điều tiết giao thông, biện pháp hữu hiệu nhất là xén dải phân cách giữa, mở rộng mặt đường đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp, Linh Đàm - Mai Dịch.

Mở rộng để tối ưu khả năng

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, dự án xén dải phân cách giữa đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp, từ Linh Đàm - Mai Dịch, dự kiến sẽ được chia làm 3 giai đoạn: Đoạn từ Cầu Dậu đến nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng và đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đến nút giao Mai Dịch. Tổng chiều dài dự án khoảng 8km; mức đầu tư theo khái toán ban đầu là gần 70 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí dự phòng; sử dụng nguồn ngân sách TP trong chương trình mục tiêu giảm thiểu UTGT trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. "Sau khi xén dải phân cách giữa, đoạn tuyến từ Linh Đàm - Mai Dịch sẽ có mặt cắt đường khoảng từ 12 - 20m mỗi bên, tối ưu khả năng lưu thông cho các phương tiện" - ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài hạng mục xén dải phân cách giữa, dự án còn phải thảm trải lại mặt đường, di dời các công trình ngầm nổi trong phạm vi thi công và đồng bộ hệ thống phân cách, cây xanh, thoát nước, biển báo, sơn kẻ vạch tổ chức giao thông. “Ngoài tiêu chí công năng sử dụng, đoạn tuyến còn phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng và cảnh quan đô thị. Đặc biệt, quá trình cải tạo, đoạn tuyến sẽ cần phải khảo sát kỹ để tính toán khoảng cách, phương án đấu nối với các nút giao lớn và đường trục chính trong khu vực" - lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.

Dự kiến, dự án xén dải phân cách giữa, cải tạo, mở rộng lòng đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Linh Đàm - Mai Dịch sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2019.

Hiện Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện trong năm 2018, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 12,3 tỷ đồng. Đoạn tuyến dài 1,895km, dải phân cách giữa được thu hẹp từ 1 - 5m; đảm bảo bề rộng mặt đường mỗi chiều từ 12 - 20m.


"Tôi thấy việc xén dải phân cách giữa trên đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng là rất hợp lý. Nhiều đoạn dải phân cách quá lớn, lại chẳng được sử dụng vào việc gì trong khi lòng đường thì lúc nào cũng chật chội, đông đúc, lưu thông rất khó khăn." - Nguyễn Thị Hồng Hạnh

(Ngõ 445, đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam,

quận Thanh Xuân)