Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các nghệ sĩ đã góp ý về thay đổi cơ chế xét duyệt danh hiệu cho phù hợp hơn, bớt cứng nhắc, không bỏ sót những người xứng đáng.
Thay đổi cơ chế xét duyệt
Năm 2018, việc 3 danh hài của sân khấu cải lương gồm NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Trâu trượt khỏi đề nghệ xét tặng danh hiệu NSND tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do không đủ 90% số phiếu làm nóng dự luận.
Sự gạt bỏ của Hội đồng xét duyệt khiến các nghệ sĩ cảm thấy tổn thương khi những cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả bao năm qua không được Nhà nước nhìn nhận.
Từ thực tế đó, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ ý kiến về việc cần điều chỉnh các tiêu chuẩn trong hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong đó có tỷ lệ phiếu bầu Hội đồng xét duyệt.
Theo NSND Lê Tiến Thọ: “Yêu cầu đạt 90% là quá cao. Tỷ lệ này nên giảm xuống mức 75% hoặc phải đạt ít nhất 80%”. Theo các nghệ sĩ, lĩnh vực nghệ thuật khó đạt được tính thống nhất tuyệt đối trong đánh giá tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu.
Với quy trình như hiện nay, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng tại Hội đồng cấp Nhà nước, hồ sơ chỉ 3/12 thành viên không đồng ý (đạt 85,7%) là không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu.
Bên cạnh đó, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ: “Lần trước, chúng tôi có ủng hộ một người để xét tặng danh hiệu nhưng có người nói người ấy còn quá trẻ nên để lần sau và đến bây giờ vẫn không đủ số phiếu để xét tặng.
Trong việc bỏ phiếu, có thể có những vấn đề cá nhân hay đơn giản là người bỏ phiếu không thích người nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia. Theo tôi, Hội đồng chỉ nên xem xét những trường hợp đặc thù, đặc biệt, không nên xem xét những trường hợp đã đủ khả năng rồi”.
Không nên quy đổi thành tích
Tại Hội nghị, nhiều nghệ sĩ cũng góp ý việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT dựa trên quy định phải có Huy chương Vàng là một rào cản lớn. Theo NSND Thanh Hoa: “Chúng ta không thể quy đổi 2 Huy chương Bạc thành 1 Huy chương Vàng, điều này rất vô lý. Tôi có 50 năm đứng trên sân khấu, cả cuộc đời chỉ biết hát và có duy nhất 1 Huy chương Vàng. Tôi nghĩ Huy chương Vàng là cần thiết cho các hội diễn để đánh giá tài năng sân khấu của nghệ sĩ nhưng nó không đánh giá sự cống hiến họ với xã hội”.
Cùng với đó, nhiều nghệ sĩ cho rằng, nghệ sĩ có thể đạt được 2 huy chương hay nhiều thành tích khác trong nghệ thuật nhưng có những tác phẩm chỉ đem ra thi để lấy huy chương mà khán giả không biết đến. Do vậy, nghệ sĩ khi mang huy chương đi xét tặng danh hiệu cũng nên trăn trở suy nghĩ xem tính hiệu quả, giá trị tác phẩm của mình đối với xã hội hay danh hiệu của mình đạt được có vấn đề gì hay không?
NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ: “Việc tính quy đổi Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hiện nay là máy móc. Ai cũng biết, cũng trân trọng nhưng chúng ta lấy huy chương ra để xét tặng đã dẫn tới việc ra đời hàng loạt cuộc thi, liên hoan. Thậm chí nhiều nghệ sĩ tham gia chỉ với mục đích lấy bằng được huy chương”.
Theo NSND Thanh Hoa, thương hiệu NSND càng ngày càng xuống cấp. Rất nhiều NSND gần đây được xét tặng mà Nhân dân chẳng biết là ai, cống hiến ít. "Tôi nghĩ những người làm văn hóa, nghệ thuật, khi chưa đủ tiêu chuẩn Nhân dân, chưa được tiêu chuẩn ưu tú mà cầm cái danh hiệu đó thì tự thấy ngại với xã hội. Một nghệ sĩ có được sự yêu quý của Nhân dân đáng quý hơn nhiều” - NSND Thanh Hoa chia sẻ.
Từ năm 2015 đến nay, qua 2 đợt xét tặng danh hiệu đã có 186 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND; 686 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT. |