Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp: Công bằng trong tiếp cận giáo dục

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại hội nghị vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhiều lần nhấn mạnh việc khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH. Theo các chuyên gia, đây là phương thức công bằng nhất đối với thí sinh ở tất cả vùng miền.

Kết quả đủ độ tin cậy

Trong hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non nhiều năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT quy định 20 phương thức tuyển sinh. Tuy thế, phương thức xét tuyển phổ biến, được nhiều thí sinh lựa chọn nhất là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển bằng học bạ THPT.

Bộ GD&ĐT quy định 20 phương thức tuyển sinh đại học
Bộ GD&ĐT quy định 20 phương thức tuyển sinh đại học

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2022, có khoảng 18 phương thức xét tuyển được sử dụng thì phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ nhập học lên đến gần 48%; phương thức xét tuyển theo học bạ chiếm 37,18%. Tổng số thí sinh nhập học bằng hai phương thức này là trên 85%. Trong khi đó, nhiều phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học rất thấp, dưới 1%, thậm chí có phương thức không có thí sinh nào nhập học.

Thời gian gần đây, kết quả của các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá tuyển sinh...) được nhiều cơ sở giáo dục đại học tín nhiệm và sử dụng để xét tuyển. Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL, TOEIC…) hay chứng chỉ quốc tế (SAT, ICT, A-Level…) cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của thí sinh và các đơn vị.

Thực tế cho thấy, đối tượng sử dụng các phương thức xét tuyển này chủ yếu vẫn là thí sinh thành thị, ở những khu vực có điều kiện kinh tế phát triển; ngược lại, thí sinh ở vùng núi, có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ rất ít có cơ hội thử sức. Điều này thể hiện rõ hơn với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ quốc tế.

Thấu suốt tác động của điều kiện kinh tế, điều kiện vùng miền lên giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng mong muốn và khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, không chỉ vì kết quả của kỳ thi có đủ độ tin cậy và còn hướng tới đảm bảo công bằng.

“Đề thi dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các em đủ kiến thức nền tảng là có thể đạt điểm tốt nghiệp, đề thi không gây áp lực, không đánh đố nhưng để đạt điểm cao, muốn đủ điểm xét tuyển vào trường ĐH thì các em phải có tư duy phân tích, tổng hợp, phải sáng tạo; phải học thực chất. Đề thi sẽ hạn chế tối đa học lệch, học tủ, học mẹo, hướng tới học thật, thi thật, chất lượng thật", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.

Thứ trưởng đặt câu hỏi: “Nếu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện về các cơ sở giáo dục ĐH để tham gia các kỳ thi riêng thì cơ hội sẽ ra sao, có công bằng hay không?”.

Giải pháp đảm bảo chất lượng đầu vào

Đại diện một số cơ sở ĐH đồng tình cho rằng việc ra đề thi và tổ chức thi tốt nghiệp THPT có đủ độ tin cậy để tuyển sinh. Tuy nhiên, muốn có chất lượng sinh viên tốt hơn thì đề thi cần có tính phân loại cao hơn.

GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh thẳng thắn nhận xét, đề thi hiện có quá nhiều câu hỏi về ghi nhớ, vận dụng. Ông đề nghị Bộ nghiên cứu để đề thi có nhiều câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức, hướng tới phát triển năng lực của học sinh hơn nữa.

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Ngoài chất lượng đề thi, tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Phạm Như Hải đề xuất cho phép trường triển khai thí điểm hình thức phỏng vấn sau khi các thí sinh đã trúng tuyển bằng bài thi tốt nghiệp THPT hay bài thi đánh giá năng lực.

Một trong những trường đại học tốp đầu vẫn kiên định dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là Trường ĐH Y Hà Nội khi luôn dành khoảng 80% xét hoàn toàn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với 20% chỉ tiêu còn lại, trường vẫn xét bằng điểm 3 môn thi tốt nghiệp, nhưng giảm 2 điểm chuẩn cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế.

“Phương thức xét tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh ở các vùng miền. Những học sinh dù ở xa đến mấy, dù điều kiện kinh tế có khó khăn đến đâu, miễn là có năng lực thực sự thì vẫn rộng cửa trúng tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp”, học sinh Nguyễn Thị Hòa, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức chung một đợt thi trên phạm vi cả nước, thi chung đề, chung đợt, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Công tác tổ chức kỳ thi được đánh giá là đổi mới theo hình thức gọn nhẹ, thí sinh được thi tại địa phương. 

Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu lớp 12 và có một số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11, được xây dựng theo ma trận của Bộ GD&ĐT gồm có 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; trong đó chủ yếu nội dung sẽ ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao chiếm tỉ lệ vừa đủ để phân hóa.

Các chuyên gia giáo dục đánh giá, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức quan trọng trong tuyển sinh ĐH sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội cũng như cho chính các trường ĐH; đồng thời đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.