Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử 13 cựu công an bảo kê: Hành vi của các bị cáo ra sao?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai Phó trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa khai khi trực chỉ huy tại trụ sở, có thấy các đối tượng liên quan ma túy bị bắt. Do cả nể và sợ bị Trưởng Công an phường trù dập, đồng thời việc bắt giữ đối tượng đều do Ban Chỉ huy chỉ đạo nên không báo cáo.

Chiều 28/8, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với 13 bị cáo nguyên là cán bộ, cảnh sát khu vực thuộc Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Vụ án này, 13 bị cáo nguyên là chỉ huy công an phường và cảnh sát khu vực đã bắt giữ 51 đối tượng liên quan đến ma túy, nhưng không lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật, mà yêu cầu các đối tượng này gọi điện người thân đem tiền đến chung chi để được thả về. Tổng số tiền mà 13 bị cáo đã nhận của các đối tượng liên quan đến ma túy lên tới 1.097.500.000 đồng, 2 chỉ vàng và 100 USD. Vậy hành vi của từng bị cáo như thế nào?

13 bị cáo nguyên là trưởng và phó, cảnh sát khu vực phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tại phiên tòa sơ thẩm.
13 bị cáo nguyên là trưởng và phó, cảnh sát khu vực phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tại phiên tòa sơ thẩm.

Đối với 51 đối tượng ma túy, cơ quan điều tra làm việc được với 29 đối tượng, trong đó có 10 đối tượng do Phạm Thanh Tuấn (SN 1983, nguyên Trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa) khi trực chỉ huy đã bắt giữ. Bị cáo Phan Văn Hòa (SN 1979, nguyên Phó trưởng Công an phường), trong khi trực chỉ huy đã bắt giữ 10 đối tượng. Bị cáo Lê Văn Quý (SN 1966, nguyên Phó trưởng Công an phường), trực chỉ huy cũng bắt giữ 6 đối tượng.

Đối với các bị cáo: Nguyễn Đăng Chiến (SN 1981), Nguyễn Đức Hiền (SN 1983), Phạm Ngọc Vy (SN 1990), Võ Quang Kế (SN 1987), Lê Đình Vũ (SN 1991), Trịnh Hoàng Dương (SN 1990), Điền Đức Quang (SN 1993), Huỳnh Văn Tuấn (SN 1984), Nguyễn Minh Nhựt (SN 1995) là những Cảnh sát khu vực trực tiếp bắt đối tượng ma túy, ghi lời khai, lập lý lịch và cho các đối tượng sử dụng điện thoại gọi về cho gia đình, người thân đem tiền đến đưa cho cán bộ công an để được thả về, không bị xử lý.

Cụ thể, Nguyễn Đăng Chiến là người ghi lời khai, lập lý lịch 13 đối tượng. Có 8 đối tượng nhận diện được Chiến là người ghi lời khai; 2 đối tượng nhận dạng được Chiến là người tham gia bắt.

Đối với Nguyễn Đức Hiền là người trực tiếp ghi lời khai 3 đối tượng. Có 11 đối tượng nhận dạng được Hiền là người đặt vấn đề yêu cầu chung tiền và cho các đối tượng về, không bị xử lý.

Còn Phạm Ngọc Vy trực tiếp ghi lời khai 4 đối tượng, trong đó Nguyễn Văn Đại nhận dạng Vy là người tham gia bắt Đại và Khưu Thanh Chi, đồng thời đặt vấn đề muốn được thả phải chung tiền…

Đối với bị cáo Nguyễn Minh Nhựt làm công tác trực ban trong ca trực từ 7 giờ 30 phút ngày 2/3/2020 đến 7 giờ 30 phút ngày 3/3/2020. Nhựt và Huỳnh Văn Tuấn ghi lời khai đối tượng Võ Bá Nghĩa; còn Điền Đức Quang ghi lời khai đối tượng Phúc. Nghĩa đã nhận dạng Nhựt là người trực tiếp đặt vấn đề yêu cầu Nghĩa đưa số tiền 60 triệu đồng để được cho về, không bị xử lý; Phúc nhận dạng Nhựt là người tiếp xúc cho Phúc dùng điện thoại nhiều lần để gọi cho mẹ và dẫn mẹ Phúc vào gặp Phúc tại trụ sở Công an phường. 

Riêng bị cáo Đỗ Hà Danh (SN 1986), là cán bộ trực ban trực tiếp nhận 2 hồ sơ đối tượng Huỳnh Chí Bảo, Lầm Sấm Riềng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép công cụ hỗ trợ; đối tượng Lê Văn Tàu, Nguyễn Hữu Thắng có hành vi nghi vấn cưỡng đoạt tài sản vào các ngày 19/7/2019 và ngày 8/2/2020, do Nguyễn Văn Thư – Cán bộ trinh sát Đội Hình sự Công an quận Tân Phú bàn giao cùng tang vật là xe gắn máy hiệu Wave, màu trắng, biển số 59H1-93157 (có biên bản bàn giao nhưng Công an phường Phú Thọ Hòa không có hồ sơ tài liệu thể hiện kết quả xử lý các đối tượng này).

Sau khi tiếp nhận đối tượng nghi vấn phạm pháp hình sự do Công an quận Tân Phú bàn giao, Danh đã không báo cáo chỉ huy ca trực là Phan Văn Hòa (Phó trưởng Công an phường), nhưng báo cáo và thực hiện theo ý kiến ​​chỉ đạo của Phạm Thanh Tuấn để không xử lý theo đúng quy định, trình tự, thủ tục việc bàn giao đối tượng, xử lý tang vật không có biên bản giao nhận, không ghi nhận trong sổ bàn giao ca trực và báo cáo ngày.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của Đỗ Hà Danh đã vi phạm quy định của Bộ Công an về tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu. Hành vi này đã giúp sức cho Phạm Thanh Tuấn lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm trái pháp luật.