“Làng tôi” là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp, trong đó xiếc giữ vai trò chủ đạo. Không chỉ “no” giác quan với những màn tung hứng, nhào lộn, đêm xiếc “Làng tôi” dẫn dắt khán giả vào một bối cảnh đời sống làng quê đậm chất Việt. Cảm xúc lặng người, chìm đắm vào không gian làng quê thuần Việt hay trầm trồ, xuýt xoa vì những màn tung hứng, nhào lộn điêu luyện trên nền tre trúc là những thăng hoa do xiếc “Làng tôi” mang lại.
Tất cả những tiết mục, động tác xiếc được dàn dựng để tập trung làm nổi bật bức tranh làng quê Việt Nam. Chính vì thế, cây tre được chọn làm ngôn ngữ để thể hiện tác phẩm, là ngôn ngữ của vở diễn. Không chỉ là xà ngang, xà dọc, để diễn viên xiếc đu bám, tre tham gia vào câu chuyện như một nhân tố của đời sống. Hàng chục thân tre đủ mọi kích cỡ, liên tục được dàn xếp, “bày binh bố trận”, biến hóa trên sân khấu, khi thì thành cầu tre lắt lẻo, khi lại hóa thành sóng nước, khi thành nhà cửa, khi tạo thành phông nền tĩnh cho sự xuất hiện của con người. Diễn viên tung hứng, đu mình trên những thân tre, đu dây giữa những biến hóa đẹp mắt của loài cây này. Vở diễn xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa đời sống cây tre với đời sống con người - tre là người bạn, là công cụ kiếm sống, tham gia vào mọi khâu của cuộc sống và nâng đỡ cuộc sống người dân quê. Với “Làng tôi”, bức tranh sinh hoạt của làng quê Việt Nam được tái hiện sinh động qua các trò chơi dân gian như: đi thuyền, tát nước, đánh đu, đá cầu... Xiếc “Làng tôi” là sự kết hợp hài hòa và điêu luyện của những tương phản: cái rắn rỏi của tre - cái mềm mại của chuyển động con người trên nền tre trúc, cái tĩnh của phông nền là bối cảnh làng quê Bắc Bộ đối lập với cái động của xiếc, cái vô thanh của âm nhạc tôn lên cái hữu thanh của những thanh âm đời sống làng quê: tiếng gà gáy, tiếng ru con, tiếng chão chuộc đêm, tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng hò lao động… Tham gia thể hiện “xiếc Làng tôi” gồm 14 diễn viên, trong đó phần lớn là những gương mặt trẻ ưu tú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cùng với 5 nhạc công. Chương trình xiếc Làng tôi đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, từ trang phục, ánh sáng, động tác của các nghệ sĩ, cũng như từng cây tre đạo cụ. “Làng tôi” đã từng “chu du” nước ngoài, với hàng trăm đêm diễn cháy vé. Đạo diễn Tuấn Lê chia sẻ, khi diễn ở nước ngoài, đoàn xiếc gặp không ít khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Khán giả xem xong có người nói không hiểu gì, nhưng họ khóc vì những hình ảnh đã chạm được vào cảm xúc của họ. NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: Xiếc “Làng tôi” mang lại nhiều sự lắng đọng hơn là cảm giác thót tim, hồi hộp thường thấy ở các đêm xiếc thông thường. Một phần vì yếu tố xiếc đã được trung hòa với những yếu tố kịch, diễn, hát để mang đến một “vở diễn xiếc” cho khán giả căng tròn cảm xúc.