Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng như trường đạt chuẩn quốc gia, số trẻ dưới 3 tuổi đến trường, số nhóm, lớp đủ điều kiện theo điều lệ trường còn ở mức thấp.
Một số quận, huyện ở Hà Nội đã xin giảm chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia do quỹ đất khó khăn, kinh phí hạn hẹp trong khi tốc độ tăng dân số cơ học khiến cho việc đầu tư xây trường, phòng học không kịp đáp ứng nhu cầu.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thành phố sẽ nghiên cứu, xem xét để có sự hỗ trợ kịp thời đối với các đơn vị này. Theo bà Ngọc, hiện giờ mới hết quý I, chặng đường phía trước còn khá dài, do đó, các đơn vị không nên rút mà phải nghiêm túc xem xét nguyên nhân khách quan và chủ quan để có giải pháp phù hợp.
Trong 3 năm (từ 2009 đến 2012) toàn thành phố Hà Nội đã xây mới 73 trường mầm non, cải tạo, sửa chữa 145 trường; cải tạo 383 công trình nước sạch, 3.097 công trình vệ sinh, 156 bếp ăn, cải tạo chiếu sáng học đường cho 1.919 lớp học.
Đến nay, có 98,7% số trường có nguồn nước sạch, 83,2% số nhà vệ sinh đạt yêu cầu, 73,6% số sân chơi được trang bị đồ chơi phù hợp.
Theo thống kê, tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có trường chuẩn quốc gia; tổng số các trường đạt chuẩn lên tới 161 trường, chiếm tỷ lệ 17,8%. Một số quận, huyện có tỷ lệ trường mầm non chuẩn quốc gia đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra như Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Trì, Hà Đông, Sóc Sơn, Đan Phượng...
Để thực hiện có hiệu quả đề án, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non; thực hiện, triển khai sớm quy hoạch mạng lưới trường, lớp đã được phê duyệt.
Thành phố yêu cầu các quận, huyện rà soát lại các chỉ tiêu chưa đạt như chỉ tiêu phổ cập mầm non, chỉ tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, chỉ tiêu về cơ sở vật chất; hoàn thành chỉ tiêu về trường đạt chuẩn quốc gia.