Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xin thương lấy "búp trên cành"!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, liên tiếp các thông tin liên quan đến các bảo mẫu trường mầm non khiến dư luận, cộng đồng mạng bức xúc.

Điều đáng nói là, khi các em chưa đầy 3 tuổi luôn cần sự nâng niu, chăm sóc đặc biệt thì lại bị bảo mẫu- những người được cha mẹ các em tin tưởng khi giao phó, mang đến tổn thương thể chất và tinh thần.

Thậm chí, ngay cả trong bản tin của “Chuyển động 24h” trên VTV1, BTV, Á hậu Thụy Vân đã phải nói lời xin lỗi khán giả bởi những bình luận bức xúc của cô khi xem clip bảo mẫu trói, bịt giẻ vào miệng bé14 tháng tuổi.

Vụ việc được chính cha mẹ của bé phát hiện khi thấy con khóc nhiều hơn khi đi học về, hoảng sợ khi thấy người lạ đến gần... Nghi ngờ điều gì đó chẳng lành nên vợ chồng chị Đinh Thị Thuý H. (trú ở phường Hải Thành, TP Đồng Hới) đã xem camera theo dõi xem con (học lớp mầm 1, điểm giữ trẻ Mầm non Sơn Ca, số 96, đường Hữu Nghị, TP Đồng Hới) đang làm gì ở lớp.

Trưa ngày 5/10, sau khi xem camera xong thì chị H. phát hoảng với cách cho con ăn của cô giáo tên L. Con chị H. liên tục bị cô véo vào tai, lấy thìa inox đánh vào tay. Quá bức xúc, chị H. đã đến trường, đạp cửa xông vào thì thấy con mình đang bị trói chặt chân tay về phía sau, bị nhét giẻ vào miệng, bị cô giáo đè xuống sàn với nhiều vết thương bầm tím.

Lập tức, cơ sở Mầm non chưa có giấp phép hoạt động này bị đóng cửa. Đến ngày 9/10, Công an TP Đồng Hới đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai bảo mẫu Lê Thị Hoài Linh (SN 1993, quê ở Quảng Trị; đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Bắc Lý, TP Đồng Hới) và Nguyễn Tú Anh (SN 1993, ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vì đã có hành vi đối xử tàn ác đối với cháu Cù Hoàng Phi L.
Những năm đầu đời sẽ kéo dài mãi mãi, ảnh hưởng đến sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Ảnh mang tính chất minh họa (Nguồn: Internet).
Những năm đầu đời sẽ kéo dài mãi mãi, ảnh hưởng đến sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Ảnh mang tính chất minh họa (Nguồn: Internet).
Còn tại Lạng Sơn, chiều 5/10, ông Đồng Tiến Dũng - Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Văn Quan cho biết, cơ quan này sẽ quyết định đình chỉ 2 cô giáo trường Mầm non Xuân Mai liên quan đến vụ việc trẻ mầm non bị doạ thả xuống bể nước và nhốt ngoài cửa. Sự việc được phát hiện khi trên mạng internet xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một cháu bé chừng 2 - 3 tuổi bị nhốt ở ngoài cửa, gào khóc thảm thiết. Vì không có ai mở cửa cho vào, cháu bé đã mở nắp thùng rác, nhặt một số vật dụng trong thùng để ăn. Sau đó một người phụ nữ đã tới và bế cháu bé đi mang ra phía bể nước và thả hai chân cháu bé vào cửa bể với ý định dọa sẽ cho bé vào trong bể nước.

Khi dư luận chưa kịp lắng xuống với hai vụ bạo hành trên, chiều ngày 9/10, trên mạng xã hội lại xuất hiện thêm một clip “tố” cô giáo mầm non bạo hành trẻ 17 tháng tuổi chỉ vì ăn chậm. Nickname Ngọc Bích Trần được cho là mẹ của cháu bé đã đăng tải clip kèm theo chú thích: “Ngày 6/10/2015, vợ chồng em có tình cờ xem camera của lớp con em thì thấy con em khóc và bị cô giáo đánh,…”. Nickname chia sẻ clip cho biết đó là các bảo mẫu của trường Mầm non Tư thục Nụ Cười Xinh (Mỹ Đình, Hà Nội).

Ngày 10/10, bà Nguyễn Minh Phương - đại diện trường mầm non Nụ Cười  Xinh xác nhận sự việc xảy ra ngày 6/10, người trong clip là cô Mai Thị Ngọc (34 tuổi, quê ở Quảng Ninh) là bảo mẫu của trường. Hiện tại phía cơ sở đã báo cáo sự việc lên Phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm, qua đó, tùy theo đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc sẽ nhờ đến cơ quan chức năng. Đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu cô giáo đánh trẻ mầm non viết bản tường trình và tạm đình chỉ công tác.

Theo bà Phương, cô giáo cho biết, vì bé ăn chậm, quấy khóc nên cô có hành động đáng tiếc. Được biết, hơn 4 năm kể từ khi thành lập, cơ sở mầm non tư thục Nụ Cười Xinh chưa từng xảy ra trường hợp nào có tính chất bạo hành trẻ.

Trước đó, đầu tháng 2/2015, người dân Bạc Liêu phẫn nộ với đoạn clip phát tán trên Facebook ghi lại cảnh một bảo mẫu của Cơ sở nhà trẻ mồ côi Vĩnh Phước An Tự (phường 2, TP Bạc Liêu) đánh dã man một cháu nhỏ mà cơ sở đang nuôi dưỡng.

Đoạn video clip ngắn ghi cảnh một bảo mẫu bế thốc một cháu bé chừng hai tuổi. Bảo mẫu dùng tay trái kẹp vào hông cháu bé, xốc ngược lên, tay phải giật mạnh quần cháu và liên tiếp dùng tay trái đánh vào người cháu bé. Lúc này cháu bé đang trong tư thế đầu ngược xuống đất, chân giơ lên trời. Ngay sau khi đoạn clip trên bị tung lên mạng xã hội, một kiểm sát viên VKSND Bạc Liêu biết được đã báo cho công an làm rõ, xử lý kẻ bạo hành trẻ em.

Chiều tối 25/12/2014, sau khi đón con đi học ở Trường Mầm non Quy Nhơn về nhà, chị Phan Thị Hà Thu (ngụ tại địa phương) đã rất bức xúc khi phát hiện cháu Võ Anh M. (3 tuổi) bị nhiều vết bầm tím to, kéo dài từ bên này sang bên kia mông. Sau khi tìm hiểu vụ việc, chị Thu mới biết được vết tích để lại trên người con mình là do cô giáo đánh. Thời điểm bị cô đánh, M. đang bị bệnh táo bón nên thường xuyên mắc tiểu, cứ 5-10 phút cháu đi tiểu một lần. Buổi trưa cùng ngày, thấy M. liên tục đi tiểu, cô Quyên bực mình đánh cháu.

Tháng 12/2013, dư luận chấn động trước hình ảnh bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt... – những “phương pháp sư phạm” mà hai bảo mẫu  ở Trường mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) dùng để “dạy” các bé mầm non. Kết cục, 2 bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý đã bị tuyên án mỗi bị cáo 3 năm tù giam về “tội hành hạ người khác”

Những hành vi của các bảo mẫu trên đều đáng bị lên án và phải nhận những hình phạt thích đáng để răn đe, cảnh cáo. Bởi, xã hội luôn đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của các em- tương lai của đất nước, hàng loạt những lớp học “kỉ luật không nước mắt” được mở ra giúp cha mẹ có cách chăm sóc, dạy dỗ con cái những năm đầu đời để khi lớn lên các em được hoàn thiện cả trí tuệ, thể xác và nhân cách.

Thậm chí, các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, di truyền và môi trường sống là hai yếu tố chính góp phần tạo nên trí thông minh của trẻ. Nếu trẻ được nuôi dưỡng và kích thích một cách đúng đắn trong ba năm đầu đời, não trẻ sẽ phát triển một cách tối đa. Những năm đầu đời sẽ kéo dài mãi mãi, đó cũng là cơ hội cho cả cuộc đời các em.

Vì thế, không chỉ sau hàng loạt vụ việc đau lòng trên xảy ra thì xã hội mới giật mình mà vấn đề lớn hơn vẫn luôn luôn được nhiều người quan tâm hiện nay là làm thế nào để ngăn chặn, bảo vệ các em khỏi nạn bạo hành trong gia đình và trong trường học, làm thế nào để xóa nhòa tổn thương thể xác và tâm lý mà các em bị bạo hành phải hứng chịu, làm thế nào để mỗi ngày đến lớp với các em là một ngày vui trọn vẹn, làm thế nào để các cô giáo, bảo mẫu thương yêu, nâng niu, xót xa học trò, các em mầm non như chính con ruột của mình, làm thế nào để các em không phải là nơi trút tức giận của người lớn... Tất cả những điều đó sẽ có lời giải nếu như mỗi người, nhất là các cô giáo, bảo mẫu khi bắt đầu chăm sóc con, dạy dỗ con trẻ đều không quên lời nhắn nhủ chan chứa tình yêu thương của Bác Hồ - “trẻ em như búp trên cành”, các em cần được lắng nghe, chia sẻ cảm xúc, được người lớn chăm sóc, che chở, quan tâm, nâng niu nhiều hơn….