Nỗi buồn “môn phụ”
Buổi tọa đàm Tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 18/7, ngay sau khi công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019. Lịch sử là môn có điểm trung bình 4,3 - thấp nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, khiến nhiều chuyên gia, giáo viên và người yêu Lịch sử rầu lòng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi tọa đàm đã đặt vấn đề: Đổi mới dạy và học Lịch sử là tất yếu. Nhưng đổi mới thế nào để môn học trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú.
Buồn vì điểm trung bình môn Lịch sử thấp nhất trong các môn thi THPT quốc gia 2019, cô Lê Thu Huyền - giáo viên trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) có những chia sẻ. Giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng chất lượng dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao. Vấn đề là có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền. Sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học này.
Cùng chung quan điểm môn Lịch sử chưa được coi trọng, cô Hoàng Thị Lan Hương đến từ trường THPT Chu Văn An đã có lý giải khác từ thực tế giảng dạy Lịch sử. Môn Lịch sử vẫn được nhà trường coi trọng nhưng học sinh lại lựa chọn, theo đuổi 3 môn chính Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ định hướng của gia đình.
“Cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 - 3 tháng, có nhiều phụ huynh đến gặp chúng tôi nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử, để đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Thời gian trước đó, các em dành thời gian ôn tập các môn xét tuyển đại học, chủ yếu là môn Toán, Văn, Ngoại ngữ” - cô Hương cho biết.
Tình trạng này cũng diễn ra tại trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Học sinh dù có hứng thú, thích Lịch sử nhưng môn học này hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp nên chỉ học Lịch sử đủ điểm để qua môn.
Môn Lịch sử không “trói buộc” học sinh
Lịch sử là môn học có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng... khiến học sinh khó nhớ, sợ học. Từ quan điểm này, GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định, đổi mới dạy và học Lịch sử là cần thiết.
Nhưng việc đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Lịch sử. Bởi nó có độ trễ, sự “đông cứng” trong chính các thầy cô. Vì thế theo GS Vũ Minh Giang, phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành Sử”. Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, làm cho học sinh thích Sử.
Theo GS Vũ Minh Giang, điểm thi Lịch sử cao hay thấp chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn bởi đề thi. Mấy năm qua, đề thi Lịch sử đã tiếp thu rất nhanh, đổi mới nhưng người học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được.
Vì thế, đã đến lúc phải tính lại để kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo.Sách giáo khoa Lịch sử mới cần ít chữ nghĩa, không trói buộc học sinh phải nhớ mà để các em tự tìm tòi.Trong khi đó, cô Lê Thu Huyền không đặt nặng yêu cầu về nội dung chương trình môn Lịch sử. Quan trọng là giáo viên biết lựa chọn kiến thức để truyền tải đến học sinh. Cách truyền tải và cái hồn của thầy cô giáo cũng được gửi gắm trong từng bài giảng.Muốn vậy, các giáo viên Lịch sử rất cần được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết. Cũng như tạo được môi trường thuận lợi để giáo viên Lịch sử có động lực giảng dạy.Ghi nhận các ý kiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, trong khi chưa áp dụng chương trình mới, ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông. Những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi.Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đổi mới không thể nóng vội mà từng bước tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho họ.“Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm “môn chính - môn phụ”. Các cấp quản lý tuyện đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo, giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.