Theo chân cán bộ xã Khánh Thượng, chúng tôi đến cơ sở sản xuất chổi chít của chị Nguyễn Thị Ngọc, hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động đủ các lứa tuổi. Là một công nhân làm việc ở cơ sở đã hơn 3 năm, bà Hà Thị Minh, thôn Bắt Còn Chèm, năm nay gần 60 tuổi vui vẻ cho biết: “Trước đây, ngoài ngày mùa, tôi không biết làm gì để có thêm thu nhập. Nhưng từ khi làm việc ở cơ sở sản xuất chổi chít, công việc đều đặn, mỗi tháng tôi cũng kiếm được trên dưới 2 triệu đồng”. Theo bà Minh, nghề làm chổi chít không đòi hỏi nhiều sức khỏe, chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ một chút. Vì vậy, nghề rất phù hợp với những lao động nông nhàn.
Những người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe tốt có thể có thu nhập khá cao từ nghề này. Chị Đinh Thị Thanh Loan, ở thôn Đồng Sống cho biết: “Tôi làm nghề chổi chít 3 năm nay. Bây giờ có máy móc cơ giới hóa nên làm ruộng nhàn hơn, thời gian rảnh rỗi nhiều. Từ khi có nghề làm chổi chít, mỗi tháng tôi cũng kiếm được 3 - 4 triệu đồng, cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn hơn. Vợ chồng tôi không phải đi làm xa để kiếm tiền nuôi con ăn học”.Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng chia sẻ: Nghề làm chổi chít phù hợp với người dân tại địa phương. Hiện toàn xã có 5 cơ sở sản xuất chổi chít, thu hút khoảng hơn 300 lao động, mức thu nhập bình quân từ 2 – 4 triệu đồng/người/tháng. Nghề phụ đã giúp nâng cao đời sống cho bà con nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Theo ông Thịnh, thời gian tới, khi người dân các thôn Phú Thứ, Khánh Chúc Bãi ký kết cho DN thuê đất sản xuất thì số lượng lao động dôi dư trên địa bàn rất nhiều. "Xã đang có kế hoạch sẽ phát triển mạnh nghề chổi chít, may gia công, làm cói để tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới" – ông Thịnh cho biết.