Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Xóa nhà tạm"- Nỗi trăn trở kéo dài suốt 2 thập kỷ

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hai tuần phát động Ban chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo Nghệ An đã nhận được trên 545 tỷ đồng. Những lo lắng, trăn trở của lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã được sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là các doanh nhân xứ Nghệ.

Đời sống đồng bào vùng núi cao miền Tây Nghệ An còn nhiều khó khăn. Ảnh TA
Đời sống đồng bào vùng núi cao miền Tây Nghệ An còn nhiều khó khăn. Ảnh TA

Cách đây khoảng 20 năm, khi còn làm Bí thư Đoàn khối cơ quan tỉnh Nghệ An, nhiều lần anh cán bộ Đoàn trẻ tuổi Thái Thanh Quý (sinh năm 1976) có nhiều lần được đặt chân lên 5 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu thuộc vùng núi cao miền Tây Nghệ An.

Nơi đây chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ - Mú, Thổ, Ơ Đu…sinh sống lâu đời, trong đó nhiều huyện có tỷ lệ cao như: Kỳ Sơn 94%, Tương Dương 89%, Con Cuông 76%, Quỳ Châu 79,%, Quế Phong 90%. Không khó để người cán bộ Đoàn quê ở Yên Thành thấy được điểm chung của các địa phương này là những vùng đất có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh nhưng đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.

"Nghệ An quyết tâm xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo trước năm 2025" - Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia sẻ. Ảnh: TA
"Nghệ An quyết tâm xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo trước năm 2025" - Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia sẻ. Ảnh: TA

Dấu ấn thủ lĩnh thanh niên

Khi làm Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An (2010-2012) Thái Thanh Quý lại có dịp đi khắp 20 huyện, thị xã và TP Vinh. Người cán bộ Đoàn đã tự tìm được câu trả lời việc Nghệ An là tỉnh có diện tích trên 16 nghìn km2, lớn nhất cả nước với 83% đồi núi, dân số trên 3,6 triệu người, có khá nhiều thuận lợi, người dân lại cần cù, chịu khó làm ăn nhưng quanh năm chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai lũ lụt, hạn hán nên thu vẫn chưa đủ chi. Chính quyền các cấp luôn luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội nhưng vẫn còn một phận người dân đang rất khó khăn và nhất là khó khăn về nhà ở. 

Trung ương đã ban hành 75 chủ trương, chính sách liên quan đến khu vực miền núi, dân tộc của Nghệ An. Trong đó, nhiều chủ trương hết sức quan trọng như: Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (trong đó có Nghệ An); Thông báo số 55-TB/TW, ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; các chương trình mục tiêu Quốc gia như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Có những phần việc Tỉnh đoàn Nghệ An do Thái Thanh Quý đứng đầu đã được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. 10 tổng đội TNXP và 1 Trung tâm Giáo dục dạy nghề  đã đảm nhận đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo thêm việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập cho thanh niên và Nhân dân trên địa bàn, góp phần xóa các điểm trắng về dân cư nơi biên giới, thúc đẩy phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo.

Tỉnh đoàn Nghệ An tích cực chung tay phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh trật tự, an ninh vùng biên giới Tổ quốc, được chính quyền và bà con Nhân dân địa phương tin tưởng, đánh giá cao. Làng Thanh niên lập nghiệp tại Nghệ An thực sự là một điểm sáng và là mô hình mẫu để nhân rộng, lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong cả nước.

Trăn trở trước những con số

Đã tiếp cận và tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo khi làm công tác Đoàn, rồi Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (2012-2016) nhưng phải đến khi đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (tháng 10/2018) và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An (tháng 1/2020 đến nay) thì Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý mới thấy hết những sự khó khăn của một địa phương nghèo khi triển khai các chương trình an sinh xã hội.

Khi nguồn vốn đầu tư còn hạn chế thì tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực miền Tây Nghệ An giai đoạn 2013-2020 đạt 6,5% là một con số ghi nhận sự cố gắng của các huyện này. Theo đó, giá trị tăng thêm bình quân đầu người năm 2013 đạt 18,03 triệu đồng đến năm 2020 đạt 32,69 triệu đồng (đạt 75,8% của tỉnh). Tổng thu ngân sách hằng năm giai đoạn 2013 - 2020 chiếm từ 10 - 12% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Phải cần đến 800-1.000 tỷ đồng để có thể xóa được những ngôi nhà tạm cho đồng bào vùng cao Nghệ An. Ảnh: TA
Phải cần đến 800-1.000 tỷ đồng để có thể xóa được những ngôi nhà tạm cho đồng bào vùng cao Nghệ An. Ảnh: TA

Từ năm 2013 tháng 10/2020, có 64 chương trình, dự án và phi dự án từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai với tổng nguồn vốn là 208.790,69 triệu đồng; hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đạt 396.800 triệu đồng. Thu hút được 231 dự án với 40.554 tỷ đồng vốn đăng ký; một số dự án sản xuất quan trọng đã đi vào hoạt động như: Nhà máy chế biến sữa của công ty CP thực phẩm TH (1,2 tỷ USD); nhà máy chế biến gỗ tại Nghĩa Đàn (6.000 tỷ đồng); dự án trồng rau và hoa trong nhà kính tại Nghĩa Đàn (3.143 tỷ đồng); 17 dự án đã phát điện với tổng công suất 886 MW; Dự án Bảo tồn và phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững (2.345 tỷ đồng); Dự án trang trại chăn nuôi lợn tại Quỳ Hợp (1.415 tỷ đồng); MDF tại huyện Anh Sơn (2.180 tỷ đồng)...

Trong vùng có 1 huyện và 77/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã thuộc huyện nghèo 30a; 2 xã biên giới; 41 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số... đây là thành tích nổi bật, dẫn dầu cả nước về xây dựng nông thôn mới tại các xã 30a trong toàn quốc. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố, mở rộng, từng bước nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi cho con em học tập.

 

900 tỷ đồng

Nếu mỗi căn hộ xây mới trị giá 60 triệu đồng, sửa chữa mất 30 triệu đồng,  thì số tiền để hoàn thành dự án xóa những căn nhà tạm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải trên 900 tỷ đồng.

Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông được tăng cường; một số di tích, lễ hội, mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống... được hình thành, góp phần thu hút khá lớn lượng khách trong tỉnh, trong nước đến tham quan, du lịch.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đã huy động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 4.500 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở (xây dựng mới hơn 3.870 căn, sửa chữa hơn 630 căn) với tổng kinh phí hơn 177 tỷ đồng. Toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn hơn 55.000 hộ nghèo, hơn 53.000 hộ cận nghèo; trong đó có 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở gồm 9.200 hộ có nhu cầu xây mới và hơn 6.100 hộ có nhu cầu sửa chữa nhà ở. Nếu mỗi căn hộ xây mới trị giá 60 triệu đồng, sửa chữa mất 30 triệu đồng,  thì số tiền để hoàn thành dự án xóa những căn nhà tạm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải trên 900 tỷ đồng.

Đi tìm lời giải bài toán khó

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhẩm tính năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An vượt mốc thu ngân sách đạt trên 21.000 tỷ đồng, về mặt kinh tế, tỉnh Nghệ An đang phục hồi và phát triển khá toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 9,08%, đứng thứ 22 cả nước và đứng thứ 10 của cả nước về thu hút đầu tư. Nghệ An đã thu hút được 935 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, số chi ngân sách của tỉnh cả năm 2022 khoảng 32.543 tỷ đồng. Như vậy tỉnh Nghệ An còn phải thu được thêm hơn 12 ngàn tỷ nữa mới cân đối được thu chi.

Bí thư Thái Thanh Quý chia sẻ: “Tỉnh đang chủ trương chuyển dịch mạnh cơ cấu nguồn thu, nguồn thu ngân sách Nghệ An cũng còn phụ thuộc lớn từ nguồn thu tiền sử dụng đất (khoảng 7.000 tỉ tiền sử dụng đất), cần phát triển các nguồn thu từ thu hút đầu tư mới bền vững. Khi thu chưa đủ chi thì khó có thể tìm được nguồn vốn lớn để hỗ trợ cho người nghèo? Không lẽ cứ phải chờ bao giờ ngân sách có đủ tiền mới tính đến việc hỗ trợ bà con?”.

Câu trả lời của Ban Thường vụ Nghệ An và cá nhân Bí thư Thái Thanh Quý là không, không chờ đến lúc giàu có mới nghĩ đến đồng bào, phải làm ngay. Dù mọi người đều biết, khi thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An chỉ mới 51 triệu đồng/năm sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu huy động nguồn lực nội tỉnh. Nói cách khác, để thực hiện giấc mơ cơ bản xóa hết nhà tạm cho đồng bào nghèo, Nghệ An cần huy động nguồn lực bên ngoài, trong đó các doanh nhân xứ Nghệ là nguồn vốn quan trọng.

"Đây là việc làm đầy tính nhân văn, cần lan tỏa khắp cộng đồng" nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
"Đây là việc làm đầy tính nhân văn, cần lan tỏa khắp cộng đồng" nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Cuối năm 2022, đích thân Bí thư Thái Thanh Quý đã khăn gói bay vào TP Hồ Chí Minh gặp bác Trương Tấn Sang - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước là người trong thời gian gần đầy đã có nhiều kinh nghiệm vận động các doanh nghiệp tham gia xóa đói, giảm nghèo tại Hà Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn I thành công có phần đóng góp rất quan trọng của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Từ những chia sẻ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang những trăn trở, suy nghĩ của người cán bộ Đoàn năm nao, giờ đứng trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, anh Thái Thanh Quý thấy được muốn thành công phải xây dựng được các mục tiêu cụ thể, khơi thông được “chất Nghệ”, tình yêu quê hương trong các doanh nhân, những người con xa quê, công khai minh bạch các khoản đóng góp, thu-chi. Một ban vận động cấp tỉnh được thành lập do chính Bí thư Thái Thanh Quý đứng đầu để triển khai một nhiệm vụ được đánh giá là quan trọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 của địa phương.

 

Một chương trình có ý nghĩa nhân văn

Để hoàn thành được mục tiêu cơ bản xóa hết nhà tạm cho đồng bào nghèo trên địa bản Nghệ An trước năm 2025 thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân Bí thư Thái Thanh Quý còn phải tiếp tục các hoạt động khác, nhưng có thể khẳng định, đây là một chương trình hành động có ý nghĩa cao đẹp, có sức lan tỏa bởi đi đúng lòng người.

Những ngày cuối năm bận rộn những Bí thư Thái Thanh Quý vẫn giành thời gian để gặp gỡ và trao đổi với ông  Lê Doãn Hợp - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội; Nguyễn Đức Quang - Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại TP Hồ Chí Minh. Đây là hai hội đồng hương hoạt động tương đối bài bản, chuyên nghiệp và có tiếng nói, ảnh hưởng đối với cộng đồng, quy tụ được nhiều doanh nhân xứ Nghệ.

Được tin, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều cán bộ lão thành cách mạng Nghệ An tuổi cao, sức yếu những vẫn tham gia các sự kiện, động viên người thân chung tay vì người dân nghèo quê hương.

Đến nay, sau 2 tuần phát động tại Vinh và Hà Nội Ban chương trình đã nhận được trên 545 tỷ đồng ủng hộ của các tập thể, cá nhân và bước đầu lan tỏa khắp cộng đồng. Để hoàn thành được mục tiêu cơ bản xóa hết nhà tạm cho đồng bào nghèo trên địa bản Nghệ An trước năm 2025 thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân Bí thư Thái Thanh Quý còn phải tiếp tục các hoạt động khác, nhưng có thể khẳng định, đây là một chương trình hành động có ý nghĩa cao đẹp, có sức lan tỏa bởi đi đúng lòng người.