Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử đại án DABank: Thanh tra không phát hiện sai phạm vì chiêu "điều" quỹ âm về các chi nhánh

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù mỗi năm Cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra nhưng không phát hiện các nguồn quỹ âm vì bị cáo Trần Phương Bình chuyển số liệu về các chi nhánh.

Liên tục tăng vốn điều lệ để mua bán cổ phần
Chiều 28/11, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với số tiền trên 3.608 tỷ đồng, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) bước vào phần xét hỏi.
Bị cáo Vũ ''nhôm'' (áo xanh, hàng 2).
Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DABank) vì sao suốt từ năm 2007 – 2014 liên tục tăng vốn điều lệ, thậm chí có năm tăng 2 lần? Số tiền chiếm đoạt trên 2.000 tỷ đồng dùng để làm gì? Bị cáo Bình, trả lời: “Tăng vốn điều lệ để mở rộng kinh doanh, kêu gọi cổ đông mới. Năm 2007 tăng vốn để bán cổ phần kiếm lời, lúc đó chỉ có Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua. Việc bị cáo chiếm hơn 2.000 tỷ đồng nhằm mua cổ phần DABank, hiện bị cáo và người thân đang đứng tên sở hữu và vẫn nằm trong DABank”. Theo hồ sơ vụ án thì bị cáo Bình có 15 triệu cổ phần, bà Cao Thị Ngọc Dung (SN 1957, Tổng Giám đốc PNJ, vợ bị cáo Bình) có 9.680.469 cổ phần, Trần Phương Ngọc Thảo 3,4 triệu cổ phần, Trần Phương Ngọc Giao 10 triệu cổ phần, Trần Phương Ngọc Hà 10,3 triệu cổ phần, Cao Ngọc Liên (bố bà Dung) có 156.176 cổ phần, Phạm Văn Tân (nguyên trợ lý bị cáo Bình) đứng tên giùm 602.071 cổ phần…
“Đối với hoạt động của HĐQT DABank, bị cáo Bình cho rằng có 5-11 thành viên tùy giai đoạn. Năm 2007 có 5 thành viên, chỉ có bị cáo điều hành, 4 người kia kiêm nhiệm. Từ năm 2007 – 2015, những lần đại hội cổ đông đều có báo cáo việc kinh doanh của ngân hàng, việc chia cổ tức cho cổ đông. Mỗi năm mức chia cổ tức tại DABank tùy từng thời gian có năm chia cổ tức tới 40%, năm thấp nhất là 2014 chia 8%, việc chia cổ tức đều có biên bản. Đối với tiền chia cổ tức, từ năm 2015 chuyển qua tài khoản của cổ đông mở ở DABank. Tất cả người thân của bị cáo nhận cổ tức thông qua tài khoản thẻ”, bị cáo Bình trả lời hàng loạt câu hỏi của chủ tọa.
Kế toán trưởng phát hiện sai phạm từ năm 2009
Chủ tọa Pham Lương Toản hỏi những người đứng tên cổ phần giùm bị cáo Bình có biết nguồn tiền từ đâu để mua? Chuyển tiền chia cổ tức ra sao? Trong quá trình điều hành DABank, có ai phát hiện vi phạm của bị cáo và ngăn chặn hay không? Ban Kiểm soát của DABank hoạt động thế nào? DABank có bao nhiêu Hội sở, chi nhánh? Việc kinh doanh vàng, ngoại tệ có quy định nào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)? Bị cáo Trần Phương Bình, trả lời: “Tất cả những người được nhờ đứng tên mua cổ phần dù với số lượng lớn, đều không hỏi nguồn tiền từ đâu. Mỗi lần chia cổ tức thì 1-2 ngày sau, người được nhờ làm cổ đông chuyển tiền ngược lại tài khoản của bị cáo. Trong quá trình bị cáo điều hành, có kế toán trưởng Võ Thị Kim Anh phát hiện âm quỹ số lượng lớn và phản ứng gay gắt, nhưng bị cáo hứa sẽ hoàn trả số tiền thâm. Đối với việc kinh doanh ngoại tệ, các ngân hàng TMCP không cần phải có giấy phép. Về hoạt động kinh doanh vàng, DABank có đăng ký giấy phép và năm 2010. Đến giữa năm 2013, NHNN yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng (bán, cho vay) nên DABank dừng. Tại DABank quỹ vàng tồn đọng gồm 2 loại: Huy động của dân, của các tổ chức. Có giai đoạn DABank không thu phí, có giai đoạn thu tượng trưng; vàng do hoạt động kinh doanh của DABank trước đó. Khi NHNN ra quy định chấm dứt kinh doanh vàng thì DABank chi trả cho người gửi”.
Cứ thanh tra là “điều” quỹ âm về các chi nhánh
Chủ tọa cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi vì sao từ năm 2012, Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN, Công ty kiểm toán đều thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện việc quỹ tiền, vàng bị âm số lượng lớn? Cơ quan thanh tra NHNN và Công ty kiểm toán có làm hết trách nhiệm? Bị cáo Bình, trả lời: “việc thanh tra tiến hành theo năm, chủ yếu kiểm tra hoạt động tín dụng. Đến năm 2014 kiểm tra toàn diện. Trước đó có năm không thanh tra. Thanh tra đã có lần thực hiện thanh tra quỹ nhưng không phát hiện thâm quỹ vì trước khi thanh tra, Cơ quan thanh tra NHNN thông báo trước vài ngày để ngân hàng chuẩn bị số liệu. Khi đó bị cáo triệu tập các bộ phận ngân quỹ, bộ phận quản lý nguồn vốn, các phòng liên quan lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng; hợp đồng ủy thác đầu tư khống; hạch toán mua, bán vàng khống; lập chứng từ điều vốn khống từ Hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch - là nơi Cơ quan thanh tra không thanh tra. Sau khoảng 10 ngày thanh tra, kiểm toán xong, các chi nhánh, phòng giao dịch điều chuyển ngược lại Hội sở, do đó không phát hiện âm quỹ. Đối với Công ty kiểm toán họ chỉ thực hiện kiểm toán tại Hội sở chính, không thể kiểm toán hết tại hơn 220 chi nhánh vì tốn kém. Trong quá trình 10 năm, Cơ quan thanh tra NHNN chưa bao giờ đặt vấn đề vì sao có sự điều chuyển số tiền khá lớn. Việc điều chuyển quỹ âm về các chi nhánh để hợp thức hóa sai phạm, Ban kiểm soát không có ý kiến vì có thể họ nghĩ việc này đã giao cho kiểm toán làm. Theo nguyên tắc khi thanh tra tra buộc phải kiểm đếm thực tế, so sánh sổ sách kế toán, còn việc Cơ quan thanh tra NHNN hay Công ty kiểm toán có làm đúng trách nhiệm hay không thì bị cáo không có ý kiến”.
BOX:
Từ ngày 3/9/2014 - 23/10/2014, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều hoạt động tại DABank. Kết quả phát hiện nhiều sai phạm lớn, trong đó âm quỹ 2.500 tỷ đồng và hơn 62.000 lượng vàng so với sổ sách nên đã báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đưa DABank vào diện kiểm soát đặc biệt và chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự trong công tác thanh, kiểm tra tại DABank.
DABank thành lập năm 1992, đến nay đã 39 lần thay đổi giấy CNĐKKD. Hiện tại có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng với 100% cổ đông trong nước. Cổ đông sáng lập chiếm 13,21%, cổ đông thường chiếm 86,79%. Trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình (10,24%), nhóm PNJ (7,7%), nhóm Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 (12,73%), Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh (12,79%). DABank có 1 Hội sở chính, 1 Sở giao dịch tại TP Hồ Chí Minh, 55 chi nhánh, 224 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm. Người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Trần Phương Bình từ ngày 25/3/1998 đến 20/8/2015.