Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp sở dĩ việc xử đại án về tham nhũng, người dân phấn khởi nhưng lực lượng thi hành án thì rất lo lắng do ở nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất, bài bản và minh bạch, về bất động sản và có sự cắt khúc nghiêm trọng trong tố tụng hình sự hiện nay trong từng công đoạn như điều tra, truy tố, đưa ra tòa án xét xử…
Cũng theo bộ Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đề xuất, cùng với Hiến pháp mới sẽ hoàn thiện thể chế, kết nối liên thông giữa hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự với tòa từ đầu, khi điều tra, kê biên tài sản, truy tố, xét xử…
Về câu hỏi chính sách hình sự với loại tội phạm tham nhũng sẽ được điều chỉnh như thế nào cho nghiêm minh, của ĐB Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đối với tội tham nhũng, Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi theo hướng bổ sung một số tội phạm về tham nhũng như: Tội làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được bằng nguồn nào mà có tài sản đó; kê khai tài sản gian dối; tham nhũng trong khu vực tư nhân; Chính phủ cũng đã đồng tình cho nghiên cứu bổ sung truy tố pháp nhân, cụ thể là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đặc biệt là trong việc rửa tiền.
Nói về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, về số liệu văn bản trái pháp luật các đại biểu đưa ra khác nhau vì có đại biểu lấy số liệu kết quả kiểm tra văn bản trong báo cáo số 126, ngày 2/5/2014, theo đó từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến hết ngày 30/4/2014 trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 312 văn có dấu hiệu trái pháp luật, trong đó có 54 văn bản sai nội dung.
Số liệu lấy từ báo cáo 132, ngày 11/6/2014 của Bộ Tư pháp, theo đó tính từ tháng 10/2013 đến 30/4/2014, trong tổng số có 368 văn bản đã kiểm tra Bộ Tư pháp phát hiện có 79 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có phát hiện có 21 văn bản sai nội dung. Sở dĩ có hai số trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, đây là những số liệu thống nhất nhưng kỳ báo cáo khác nhau.
Về loại sai phạm, trong số 312 văn bản trái pháp luật có: 186 văn bản sai căn cứ pháp lý và thể thức trình bày; 64 văn bản sai về hiệu lực; 11 văn bản sai về thẩm quyền và 54 sai nội dung. 54 văn bản này không có văn bản nào vi hiến; có 4 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với luật và pháp lệnh; còn lại là văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng phát hiện thêm những quy định không phù hợp với thực tiễn. Trong 79 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, theo báo cáo số 132 của Bộ Tư pháp có: 51 văn bản sai về thể thức, căn cứ ban hành, 7 văn bản sai về thẩm quyền, 5 văn bản sai về hiệu lực và 21 văn bản sai nội dung, không có văn bản nào trái với Hiến pháp, luật pháp, lệnh của Quốc hội. Các văn bản chỉ trái và không phù hợp với nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tình hình xử lý 54 văn bản sai về nội dung thì sau khi Bộ Tư pháp trao đổi các bộ ban hành văn bản thì có 19 văn bản đã được các cơ quan ban hành sửa ngay nội dung trái pháp luật, không phù hợp, không khả thi, như Thông tư số 24/2013 của Bộ GD-ĐT quy định thêm một số đối tượng được ưu tiên cộng điểm so với quy định của Pháp lệnh đối với người có công, quy định về cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa không phù hợp với thực tiễn; trong 35 còn lại đến có 20 văn bản đã xử lý xong và thay thế, hiện còn 15 văn đang trong quá trình xử lý.
“Việc tiếp tục ban hành văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ sai về nội dung sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực, nước ta chuyển sang giai đoạn mới về xây dựng nhà nước pháp quyền thì chúng tôi nghĩ rằng không chấp nhận được” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.
Trả lời câu hỏi của ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội), về tình chương trình xây dựng luật, tình trạng xin lùi, xin rút khỏi dự án luật… Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ phía Chính phủ đã có nhiều chuyển biến và được UBTVQH ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút khỏi chương trình. Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, Chính phủ đề nghị hoặc UBTVQH quyết định lùi 13 văn bản và rút khỏi chương trình 2 văn bản. Như vậy, ít hơn nhiều so với nhiệm kỳ QH khóa XII.
Nguyên nhân khách quan việc trên do một số dự án luật của Chính phủ xin lùi để chờ tổng kết, chờ báo cáo, kết luận của Hội nghị Trung ương như Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật tổ chức chính quyền địa phương… Tuy nhiên, cũng có một số dự án luật chưa nghiên cứu kỹ hoặc chưa xác định rõ được phạm vi điều chỉnh cũng như chính sách phải xin lùi như Luật ngân sách. “Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ lập và gác những dự án luật chưa phù hợp phải xin lùi, Bộ xin nhận trách nhiệm trước QH” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng khẳng định, Nghị định 24/2010 của Chính phủ quy định sử dụng quản lý cán bộ công chức không trái với Luật công chức.
Về vấn về mở rộng quyền làm chủ của người dân để họ được khởi kiện văn bản sai quy định không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, vì vậy cần nghiên cứu để bổ sung quy định người dân và doanh nghiệp được khởi kiện cơ quan nhà nước trước mắt từ cấp Bộ trở xuống đến cấp địa phương trong trường hợp các cấp này ban hành văn bản sai, chậm gây ra hậu quả về vật chất. Để tiếp tục cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, cần nghiên cứu giao Tòa án nhân dân Tối cao khi xét xử vụ án cụ thể, phát hiện văn bản của cấp Bộ, địa phương trái Hiếp pháp thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó. “Hai vấn đề này cần được nghiên cứu để đề xuất trong việc sửa đổi Luật tới đây” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Giải trình thêm về việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật nước ta có đi đúng hướng hay không, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết để định hướng xây dựng hệ thống pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp pháp luật, Bộ Tư pháp đang thực hiện và thấy xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên đi vào cụ thể, nhiều khi làm luật "con" trước, làm luật "mẹ" sau, ví dụ lẽ ra Bộ luật Dân sự đưa ra trước sau đó là những luật chuyên ngành… Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để có sắp xếp phù hợp hơn.
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội
|