BĐS nghỉ dưỡng biển thoái trào?
Số lượng thống kê từ Bộ Xây dựng, đối với phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch; 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ có thêm 5 dự án căn hộ, biệt thự du lịch biển được cấp phép xây dựng mới.
Mặc dù các sản phẩm BĐS du lịch biển vẫn không có sự thay đổi về giá so với năm 2019, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mức độ mở bán rất ít. Theo đánh giá, nguồn cung sản phẩm phân khúc này tương đối lớn, nhưng số lượng giao dịch không nhiều do liên quan đến những vấn đề về thẩm định dự án, thời hạn sở hữu...
Theo đó, từ đầu năm đến nay, tổng số các sản phẩm căn hộ du lịch và biệt thự du lịch được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định là trên 4.400 căn, nhưng số lượng sản phẩm được kiểm tra nghiệm thu và đưa vào sử dụng chỉ có 668 căn.
Nghỉ dưỡng núi nhiều tiềm năng
Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group Phạm Thanh Hưng cho biết, thị trường BĐS đã có dấu hiệu đi xuống từ năm 2018 và trở nên rõ nét vào cuối năm 2019. Trong ngắn hạn, thị trường có những thay đổi cục bộ ở một số phân khúc.
Cụ thể, phân khúc giá rẻ, luôn giữ vai trò điều tiết thị trường, dự báo sẽ chững lại và giảm nhẹ về số lượng giao dịch. Phân khúc trung và trung bình khá được quan tâm hơn. BĐS cao cấp, dự báo vẫn sẽ gặp khó, nhưng đây là phân khúc có độ “lì” cao, ít nhạy cảm giá.
“Phân khúc Condotel, biệt thự biển không được cấp sổ đỏ lâu dài sẽ thoái trào trong vài năm tới. Thay vào đó, là căn hộ dịch vụ và mô hình du lịch trải nghiệm như Homestay, Farmstay và Ngôi nhà thứ hai (second - home) sẽ lên ngôi” - ông Hưng nhận định.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Đông Dương Land Lò Thị Dung cho biết, ở các quốc gia phát triển, xu hướng của nhóm người giàu và siêu giàu là sống và sở hữu những căn hộ trị giá hàng triệu đô la Mỹ ở những khu vực cách xa trung tâm. Xu hướng này đang bắt đầu phát triển ở Việt Nam.
“Chính sách của Nhà nước cũng đang tập trung cho việc khai thác thế mạnh về nghỉ dưỡng núi, trong khi đó thời gian gần đây các sản phẩm nghỉ dưỡng biển gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý. Vì vậy, xu hướng của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay là chuyển dịch sang đầu tư các sản phẩm nghỉ dưỡng núi” - bà Dung nhìn nhận.
Ngoài ra, các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, hiện nay, sản phẩm nghỉ dưỡng núi vẫn đang thiếu nguồn cung, do thời gian qua những nhà phát triển BĐS lớn đều tập trung vào khai thác sản phẩm nghỉ dưỡng biển. Thời gian tới khi sản phẩm nghỉ dưỡng biển rơi vào “thoái trào” thì doanh nghiệp BĐS lớn sẽ tập trung vào nghỉ dưỡng núi.