Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] GI và sản phẩm nông nghiệp

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (Japanese Ministry of Agriculture, Forestry and Fisheries - MAFF) đã cấp chứng chỉ Chỉ dẫn Địa lý (geographical indication - GI) cho vải thiều được trồng ở huyện Lục Ngạn, phía Bắc tỉnh Bắc Giang. Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ này tại Nhật Bản.

Sự phát triển nông nghiệp bền vững
GI là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý. Do vậy, chứng chỉ GI đã chứng minh chất lượng vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn quốc tế và mở ra cơ hội xuất khẩu vải sang Nhật Bản cũng như các thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe khác.

Huyện Lục Ngạn có hơn 15.000ha vải thiều. Trong đó, một số vùng trồng vải thiều phù hợp với Quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) và Quy trình thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP) để tạo ra sản phẩm hữu cơ chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 Chế biến vải thiều xuất khẩu tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Việt Hưng
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng các thực phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sẽ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho các vùng nông thôn và thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp quốc (FAO), doanh thu hàng năm trên toàn cầu từ các sản phẩm nông nghiệp hay thực phẩm được đăng ký bảo hộ GI đã đạt được 50 tỷ USD. Các sản phẩm đó có đặc điểm, phẩm chất hoặc danh tiếng cụ thể xuất phát từ nguồn gốc địa lý của chúng.

Nghiên cứu Tăng cường hệ thống lương thực bền vững thông qua chỉ dẫn địa lý (Strengthening sustainable food systems through geographical indications) do FAO và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã phân tích tác động kinh tế của việc đăng ký GI trong 9 nghiên cứu điển hình: Cà phê Colombia, trà Darjeeling (Ấn Độ), bắp cải Futog (Serbia), cà phê Kona (Hoa Kỳ), pho mát Manchego (Tây Ban Nha), tiêu Penja (Cameroon), nghệ tây Taliouine (Ma-rốc), pho mát Tête de Moine (Thụy Sĩ) và rượu Vale dos Vinhedos (Brazil).

Trong tất cả trường hợp, đăng ký liên kết xuất xứ về cơ bản đã làm tăng giá thành sản phẩm cuối cùng, với giá trị gia tăng từ 20 - 50%. Một lý do là người tiêu dùng xác định các đặc điểm độc đáo - chẳng hạn như mùi vị, màu sắc, kết cấu và chất lượng - trong các sản phẩm có nhãn GI, và do đó họ sẵn sàng trả giá cao hơn.

Trong trường hợp tiêu Penja, một loại tiêu trắng được trồng trên đất núi lửa thuộc Thung lũng Penja ở Cameroon và là sản phẩm đầu tiên của châu Phi được cấp nhãn chỉ dẫn địa lý. Việc đăng ký đã giúp kích thích thu nhập của nông dân địa phương lên gấp 6 lần.

Ông Emmanuel cho biết: "Quá trình - từ việc thiết lập tiêu chuẩn đến đăng ký và quảng bá - đã mang lại lợi ích không chỉ cho nông dân địa phương mà cả khu vực địa phương về doanh thu, năng suất, sự tăng trưởng của các ngành kết nối khác và quan trọng bao gồm của tất cả các bên liên quan".

Nhãn GI cho bắp cải Futog, được trồng trên vùng đất thấp màu mỡ dọc theo sông Danube ở phía Bắc Serbia, đã mang lại cho một cộng đồng nhỏ những người trồng trọt một sự gia tăng thu nhập đáng kể trong những năm gần đây, với một số nông dân đã đạt được giá bán tăng 70%. Kể từ khi đăng ký sản phẩm, các nhà sản xuất địa phương đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với nhau. Điều này đã giúp bảo vệ chất lượng độc đáo của bắp cải Futog và phương cách trồng trọt truyền thống.

Kết nối văn hóa, môi trường, thổ nhưỡng

Việc đăng ký các sản phẩm liên quan đến xuất xứ của chúng có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với lợi ích kinh tế đơn thuần. Các nhà sản xuất và chế biến địa phương là trung tâm của quá trình đăng ký giúp làm cho hệ thống thực phẩm trở nên toàn diện hơn và hiệu quả hơn. Theo đó, các nhà sản xuất phát triển và điều chỉnh các thông số kỹ thuật của sản phẩm, đồng thời quảng bá và bảo vệ nhãn xuất xứ. Việc tạo ra các nhãn như vậy cũng kích thích đối thoại giữa khu vực công và tư nhân vì các cơ quan công quyền thường kết hợp chặt chẽ với quá trình đăng ký và chứng nhận.

Mối liên kết độc đáo của những sản phẩm này với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa ở các khu vực địa phương khiến chúng trở thành một công cụ hữu ích trong việc thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là bằng cách bảo tồn di sản thực phẩm và đóng góp vào chế độ ăn uống lành mạnh.

GI là một tài sản trí tuệ quan trọng bảo vệ các đặc tính và danh tiếng của các sản phẩm trong một khu vực cụ thể, chẳng hạn như rượu sâm banh ở Pháp. Việc chỉ định góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thu nhập của nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ di sản văn hóa truyền thống.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Phòng Chỉ dẫn Địa lý và Nhãn hiệu Quốc tế - Cục Sở hữu trí tuệ (IP VIETNAM), trong số hơn 70 sản phẩm nông nghiệp đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, mới chỉ có ba sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột được lựa chọn để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Nông, Lâm & Ngư nghiệp Nhật Bản).

Chặng đường dài của việc bảo hộ GI tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn cho thấy, để nâng cao giá trị các loại cây trái đã được định danh của Việt Nam, không chỉ cần sự vào cuộc của cả địa phương mà còn không thể bỏ qua việc đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về sản phẩm. Như, sản lượng lớn, có tiềm năng xuất khẩu; có trình độ sản xuất ở mức cao, quy trình sản xuất tương đối chuẩn đạt tiêu chuẩn Global GAP; có hiệp hội ở địa phương…

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã bắt đầu có hiệu lực. Khách hàng EU trong lĩnh vực kinh doanh nông sản từ khu vực bán lẻ và chế biến cũng quan tâm đến việc hỗ trợ các quy trình và thị trường GI vì bản thân người tiêu dùng tại các nước này vô cùng quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Việc đăng ký nhãn GI cần tuân theo luật và quy định do mỗi quốc gia ban hành. Trên bình diện quốc tế, nhãn được quy định và bảo vệ theo Hiệp định TRIPs, một hiệp định đa phương về quyền sở hữu trí tuệ được tất cả các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận.

Một số rào cản mà các nhà sản xuất nông nghiệp phải cân nhắc trước khi xin nhãn xuất xứ. Ví dụ, một số nhà sản xuất quy mô nhỏ hoặc truyền thống có thể bị loại trừ nếu các thông số kỹ thuật của sản phẩm được công nghiệp hóa quá mức hoặc nếu họ gặp khó khăn trong các lĩnh vực như đóng gói. Bên cạnh đó, các tác động môi trường phải được xem xét và các thông số kỹ thuật phải bao gồm các yêu cầu để bảo vệ chống lại việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Đăng ký bảo hộ GI đòi hỏi phải truy nguyên đến tận gốc các vấn đề, phải chứng minh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có tính chất đặc thù (đặc tính), và đặc tính này có được nhờ yếu tố tự nhiên (khí hậu, địa chất...) và/hoặc yếu tố con người (kỹ năng, quy trình sản xuất truyền thống...). Đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải được xác định bằng các chỉ tiêu định lượng, do các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan kiểm chứng và đặc biệt hơn đặc tính này phải đảm bảo được tính liên tục và ổn định.

"GI là một cách tiếp cận đối với hệ thống tiếp thị và sản xuất thực phẩm kết nối giá trị xã hội, văn hóa và môi trường vào trung tâm của chuỗi giá trị sản phẩm. Chúng có thể là một con đường để phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp, cộng đồng nông thôn, bằng cách quảng bá các sản phẩm chất lượng, tăng cường chuỗi giá trị và cải thiện khả năng tiếp cận các thị trường có thu nhập cao hơn." - Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Đầu tư của FAO Emmanuel Hidier