Phố Nguyễn Thị Thập – tuyến đường giáp ranh giữa phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) là một trong những “điểm nóng” về tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm sáng.
Không những thế, sự tồn tại của dãy chợ “cóc” còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Hải Yến, một người dân trong khu vực chia sẻ, sau mỗi buổi chợ, các tiểu thương cũng tiến hành quét dọn nhưng nước thải từ các gian hàng thực phẩm, đặc biệt là thịt, cá… phát sinh vẫn bị tràn ra đường, ngấm xuống đất bốc mùi hôi tanh.
Trước tình trạng trên, trong những ngày qua, lực lượng chức năng 2 phường, đặc biệt là công an phường Trung Hòa đã tổ chức cắm chốt để ngăn chặn vi phạm. Tuy nhiên, do là khu vực giáp ranh nên mỗi khi bị lực lượng chức năng phường Trung Hòa làm quyết liệt, vi phạm lại tràn sang địa phận phường Nhân Chính
. Để khắc phục tình trạng này, công an phường Nhân Chính cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp giữa 2 phường, thậm chí là tâm lý “không phải việc của mình”… nên hiệu quả đem lại không đạt được như kỳ vọng.
Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, để công tác quản lý trật tự đô thị tại những khu vực giáp ranh đem lại hiệu quả lâu dài, điều quan trọng nhất là nâng cao tính phối hợp giữa các địa phương. Trong đó, phải xóa bỏ rào cản về địa giới hành chính, lấy hiệu quả của công việc đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ chợ tạm, chợ “cóc” vẫn còn đất diễn là do nhu cầu thực của người dân, đặc biệt là những người nghèo, hộ có mức thu nhập trung bình trong khi đó, hệ thống chợ dân sinh lại quá mỏng. Do đó, về lâu dài, các đơn vị chức năng cần xem xét lại quy hoạch chợ để đảm bảo nhu cầu của người dân cũng như góp phần giữ gìn trật tự đô thị.