Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước ra đúng thời điểm đã tác động đến ý thức, tác phong làm việc của công chức. Nhiều bức xúc do thái độ của cán bộ công chức Cùng với việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, thực tế phát triển hiện nay đòi hỏi từng cán bộ, công chức, viên chức phải xây dựng ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc tích cực, đảm bảo giải quyết công việc hiệu quả, sử dụng thời gian cơ quan hợp lý.
Ảnh minh họa |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đúng lúc và kịp thời, bởi thực tế hiện nay, thái độ thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức là điểm yếu nhất. Người có trình độ cao đến mấy, có giỏi đến mấy mà ý thức thái độ kém thì bộ máy không thể vận hành tốt được. “Một bộ phận công chức theo nhìn nhận của tôi cứ công việc gì hay, có lợi cho mình thì nhao vào, còn công việc khó khăn là chây ỳ, đùn đẩy cho người khác. Rất nhiều vấn đề nóng, bức xúc được nêu thực chất đều do cán bộ công chức gây ra cả. Công chức hách dịch, cửa quyền, thiếu thái độ lễ độ với dân, thiếu trách nhiệm thì gây bức xúc cho xã hội. Do đó, chỉ cần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ công chức…” - ông Nguyễn Sỹ Cương nhận định. Thời gian qua, việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ ở một số cơ quan còn chưa nghiêm. Điển hình có tới 2.000 nhiệm vụ trong số hơn 3.700 nhiệm vụ Thủ tướng giao cho các bộ, ngành chưa được thực hiện. Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: “Một trong những quy định của hành chính là mệnh lệnh hành chính phải chấp hành. Không có lý do gì lãnh đạo chỉ đạo xong “cất ngăn kéo” quên đi, thực hiện cũng được mà không thực hiện cũng được. Ý thức chấp hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân, đối với cấp trên, cấp dưới đang có vấn đề. Bởi vậy, việc Chỉ thị 26 ra đời là chuyển động rất tốt thể hiện kỷ cương điều hành và hành chính Nhà nước”. Cơ sở để tinh giản biên chế Việc tinh giản biên chế là yêu cầu đã được đặt ra từ lâu nhưng thực hiện vẫn chưa hiệu quả. Nhiều ý kiến khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 26 cũng là cơ sở để xem xét tinh giản công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu trách nhiệm ra khỏi bộ máy. Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội nhận định: Vấn đề quan trọng hiện nay là lựa chọn đối tượng nào cần tinh giản. Lấy dẫn chứng từ thực tế có người đến cơ quan không làm gì nhưng có người làm việc tích cực lại có thể đang đứng ngoài bộ máy, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần có kế hoạch, lộ trình đánh giá trên cơ sở khách quan dựa trên kết quả công việc để từ đó đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đảm bảo chất lượng. Đồng thời thu hút cán bộ giỏi có trình độ chuyên môn để làm trẻ hóa, làm mới bộ máy và phát huy trí tuệ của nhiều người giỏi. Đồng tình với ý kiến cần phải tinh giản biên chế bởi bộ máy hành chính Nhà nước đã quá cồng kềnh đến mức tiền thuế của dân không còn gánh nổi, song ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý: Việc tinh giản biên chế nếu làm không cẩn thận thì lại chỉ giảm những người không thân thuộc, lại trở thành vấn đề cha truyền con nối. Bởi vậy, cần có cuộc cách mạng về tổ chức, cách mạng về mặt biên chế thì mới thực hiện được. Tăng cường vai trò người đứng đầu Người đứng đầu luôn có ảnh hưởng rất lớn. Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: “Nếu người đứng đầu làm việc nghiêm túc, có thái độ ý thức trách nhiệm tốt thì công chức nhìn vào đó coi như tấm gương để thực hiện theo. Người đứng đầu không gương mẫu thì cán bộ công chức dưới quyền đương nhiên bị ảnh hưởng ngay”. Chỉ thị 26 với những quy định cụ thể được ban hành là rất cần thiết, song để Chỉ thị đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thì cần tổ chức triển khai thực chất và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm chứ không chỉ hô hào. Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Tất cả quy định về xử lý vi phạm trong Chỉ thị 26 rõ ràng, cụ thể và có nhiều cái đã được quy định trong pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức nhưng bấy lâu nay mình làm không triệt để. Giờ hành vi nào còn thiếu thì bổ sung vào quy định của pháp luật, ví dụ việc cấm không được sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc. Hoàn thiện các quy định để cán bộ công chức căn cứ vào đó thực hiện và thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức”.