Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý hơn 52.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trịnh Văn Ngọc cung cấp tại hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của lực lượng Quản lý thị trường, diễn ra chiều 2/8, tại Hà Nội.

 Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Lê Nam

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng đã phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng. Theo ông Ngọc, dù không còn công khai nhưng tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).
Trong đó, các mặt hàng nóng về buôn lậu như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực… Đáng chú ý, khu vực biên giới các tỉnh Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại, đường cát diễn biến phức tạp và tinh vi, sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau, thậm chí thiết kế hầm bí mật trên xe để ngụy trang hàng lậu, hàng cấm.

Chỉ ra phương thức, ông Ngọc cho hay, đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, các đầu nậu thường đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ, trong khi hàng hoá có mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với một bộ phận dân số thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề được trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng chỉ ra một số bất cập ảnh hưởng đến công tác chống buôn lậu, từ trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hơn nữa là kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trước những vấn đề nêu ra và để xử lý hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ông Ngọc cũng kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành tổng kết Luật xử lý vi phạm hành chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, dù đạt được nhiều kết quả nhưng hoạt động của Quản lý thị trường vẫn chưa được như mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của Nhân dân. Thực tế, trong thị trường nội địa, tình trạng bày bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, TP. Do vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị lực lượng Quản lý thị trường đánh giá và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, qua đó xác định những giải pháp cụ thể nhằm triển khai tốt hơn nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ hàng hóa trong nước.