Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nạn cát tặc và bến bãi trái phép tại huyện Ba Vì: Vẫn chỉ… ném đá ao bèo

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Vì được coi là một trong những huyện có bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) và số vụ khai thác cát trái phép xảy ra hàng năm với số lượng “khủng” nhất TP.

Mặc dù, lực lượng chức năng đã quyết liệt ra quân, kiểm tra, xử phạt chủ bãi, chủ tàu. Tuy nhiên, vi phạm vẫn không thuyên giảm...

Ngổn ngang vi phạm

Để “mục sở thị” về vấn nạn khai thác cát trái phép trên sông Hồng tại một số xã, như: Đông Quang, Chu Minh, thị trấn Tây Đằng… phóng viên đi men theo hơn 10km đê bao dễ dàng nhận thấy hàng chục chiếc tàu cuốc, tàu hút cát đang neo đậu ven sông Hồng. Và, chỉ chờ lực lượng chức năng lơ là hoặc đêm xuống sẽ thả ống hút cát. Nguyên nhân được xác định, do nhiều đoạn sông chảy qua huyện có khúc cua nên dòng nước thường chảy xiết tạo thành bãi cát nổi nằm giữa sông giáp ranh với 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Đây chính là yếu tố khiến các doanh nghiệp (DN) quan tâm đến việc xin các bộ, ngành và TP chấp thuận cho khai thác hoặc nạo vét, khơi thông luồng lạch, tận thu cát. Tuy nhiên thực chất, chỉ được một thời gian là các DN bắt đầu “lần mò” tìm vị trí có cát đẹp để hút bán kiếm lời.

Một trong 22 bãi tập kết vật liệu xây dựng ở Ba Vì đang hoạt động trái phép. Ảnh: Công Tâm

Qua tìm hiểu được biết, Ba Vì có gần 50km sông Hồng, sông Đà chảy qua địa bàn. Bên cạnh đó, lại có nhiều bãi cát nổi nằm giữa dòng sông, liền kề với đó ở ven bờ có tới 22 bãi tập kết VLXD tồn tại trái phép hàng chục năm qua ở 13 xã, thị trấn. Để phục vụ các bãi tập kết VLXD, nhiều hộ dân ở xã Chu Minh, Đông Quang, Phú Châu, thị trấn Tây Đằng… đã đầu tư, vay mượn tiền đóng những con tàu cuốc, tàu hút cỡ “khủng” với hàng tỷ đồng để lập nghiệp bằng nghề hút cát. Trước vấn nạn bến bãi, cát tặc hoạt động trái phép gây bức xúc cho Nhân dân, ngày 1/2/2013, UBND TP có Quyết định 711/QĐ-UBND khẳng định trên địa bàn huyện Ba Vì chỉ có 9 bãi tập kết VLXD phù hợp với quy hoạch phải hoàn thiện thủ tục pháp lý mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, từ đó đến nay, 9 bãi này chưa hoàn thiện hồ sơ nhưng vẫn hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, do chính quyền địa phương thiếu quyết liệt nên 13 bãi tập kết VLXD khác vẫn lén lút hoạt động.

Điểm nóng... còn nóng

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết, năm 2016, Công an huyện đã trực tiếp và phối hợp với Công an TP kiểm tra, xử lý 23 vụ với 34 đối tượng dùng tàu hút cát trái phép, phạt 320 triệu đồng. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện xử phạt 9 chủ bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép. Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an huyện phối hợp với Công an TP kiểm tra, xử lý 13 vụ với 16 đối tượng sử dụng tàu hút cát trái phép, phạt 220 triệu đồng. Đó là chưa kể đến 2 vụ việc, ngày 30/3 vừa qua, Công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra, phát hiện 4 tàu cuốc của Công ty CP Quảng Tây và 2 tàu khác đang hút cát trái phép…“Mặc dù đã quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, do địa phương giáp ranh với nhiều tỉnh và có tuyến đường sông trải dài. Do vậy, thời gian tới tình trạng khai thác cát trái phép và hoạt động bến bãi sẽ còn “nóng” là điều dễ hiểu” - Trung tá Nguyễn Anh Tuấn phân trần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần chia sẻ, sau nhiều đợt kiểm tra, phát hiện trường hợp vi phạm chủ yếu là sử dụng tàu thuyền tự chế công suất lớn, hoạt động ngắt quãng vào ban đêm, ngày nghỉ lễ, không theo quy luật. Bên cạnh đó, lợi dụng các DN được phép khai thác, nạo vét luồng lạch, một số trường hợp “núp bóng” hoạt động tại khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh, gây khó khăn cho việc kiểm tra. Mặt khác, do tổ công tác liên ngành của huyện không có phương tiện chuyên dụng và công cụ hỗ trợ kiểm tra tàu trên sông, không có địa điểm tạm giữ, quản lý phương tiện vi phạm… Đây cũng là nguyên nhân khiến nạn hút cát trái phép và bến bãi tập kết VLXD còn lén lút hoạt động. Ông Dần đề nghị: “UBND TP chỉ đạo cơ quan chuyên ngành hỗ trợ lực lượng, phương tiện, tăng cường cho tổ công tác của huyện đủ điều kiện để xử lý dứt điểm vi phạm, góp phần đảm bảo ANTT vùng sông nước trên địa bàn. Đây là niềm mong mỏi bấy lâu nay của Nhân dân và cán bộ huyện Ba Vì”.