Kinhtedothi - Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương về xử lý tình trạng khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép trên địa bàn TP, chiều 20/11.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, trên địa bàn TP có 15 quận, huyện, thị xã hiện có hoạt động của gần 200 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven các con sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 50 bãi chứa có cơ sở pháp lý về đất đai. Còn lại khoảng 150 bãi chứa ven các sông đang hoạt động trái phép do chiếm dụng đất, nhận chuyển nhượng, nhận thuê thầu đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép... Hoạt động khai thác cát trái phép lòng sông thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa bàn. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm là địa phương để xảy ra nhiều vụ vi phạm nhất với 16 vụ. Tiếp đến là Gia Lâm 12 vụ, quận Tây Hồ 7 vụ... Ông Hà Đức Trung – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, hoạt động khai thác cát trái phép lòng sông có nguy cơ cao tác động tới an toàn đê điều và các công trình thủy lợi, gây sạt lở đất canh tác ven sông, thất thoát nguồn tài nguyên, ảnh hưởng tới an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo đó, từ tháng 11/2014 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 68 vụ/96 đối tượng, tạm giữ 893 tàu thuyền các loại, tịch thu 74 đầu nổ và 74 sên vòi hút cát, phạt tiền gần 1 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2015, hai đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã lập biên bản đình chỉ hoạt động trái phép đối với 17 bãi chứa, điểm trung chuyển vật liệu xây dựng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhận định, xử lý vi phạm khai thác cát, bến bãi là vấn đề không dễ nhưng không khó tới mức không làm được. Thực tế, đã có 10 địa phương vào cuộc khá quyết liệt và bước đầu thu được kết quả tích cực. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục, răn đe cảnh tỉnh những đối tượng có hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương ven sông. Mặt khác, phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm, tăng dần mức phạt, nếu tái phạm nhiều lần hoặc có hành vi chống đối, phải chuyển cơ quan công an điều tra vào cuộc kiên quyết xử lý và xử lý dứt điểm. Đồng thời, gắn trách nhiệm với người đứng đầu sở, ngành, địa phương trong việc chậm xử lý vi phạm.