Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Đừng loanh quanh phần "ngọn"

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo làm mất mỹ quan đô thị, UBND TP mới đây đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng.

Đây gần như là thông điệp thể hiện quyết tâm lập lại kỷ cương đô thị của Hà Nội khi trực tiếp giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện nếu phát sinh các dạng nhà “kỳ dị”.
“Tôi thường có thói quen nhìn vào các tuyến đường mới để đánh giá năng lực lãnh đạo chính quyền cơ sở trong việc kiểm soát các công trình “mỏng, méo”. Đơn giản, lãnh đạo sở tại xử lý được đến đâu thì ghi nhận đến đó. Chỗ nào còn siêu mỏng, siêu méo, chỗ nào thò ra, thụt vào thì phải chịu trách nhiệm” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định.
Vẫn “chắp vá” về cảnh quan
Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo với hình hài kỳ dị không còn là chuyện quá mới trong quá trình phát triển đô thị Hà Nội, mà xuất hiện ngày một nhiều tại các dự án mở đường, vừa mất mỹ quan đô thị vừa nguy hiểm cho chính những người sinh sống trong các ngôi nhà đó. Tuy nhiên, vì cuộc sống và lợi nhuận, nhiều người dân sẵn sàng bám trụ để sinh sống, làm ăn bất chấp không gian chật chội, nguy cơ bị sụp đổ do sửa chữa, cải tạo trên nền móng cũ, đó là chưa kể các tuyến đường mở rộng đều bị khoét sâu nên phần đất tiếp giáp nhà dân cũng dễ bị lún, sụt nguy hiểm. Theo kết quả kiểm tra năm 2015 và tái kiểm tra năm 2016 tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn 11 quận, huyện (Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm), số lượng các trường hợp tồn đọng là 214 công trình, chủ yếu tập trung tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân. Hầu hết các công trình đều phát sinh kinh doanh, buôn bán. Sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng, những căn nhà chênh vênh, nguy hiểm, hình thù vẹo vọ vẫn hiện diện trên các tuyến phố mới của TP như một sự thách thức. Có ý kiến đổ lỗi cho ý thức người dân còn kém. Mộ số khác lại cho rằng, đừng đổ lỗi cho người dân trong khi lãnh đạo các quận, huyện không kiểm soát chặt chẽ các thửa đất nhỏ lẻ, không đủ tiêu chuẩn để cấp phép xây dựng hai bên đường. Còn trên thực tế, các hộ dân, sau khi nhận tiền đền bù cho phần đất đã được GPMB, với phần diện tích còn lại, dù nhỏ nhưng vẫn thuộc quyền sử dụng nên họ lại tiếp tục xây nhà hoặc chắp vá lại để có nơi ở hoặc làm chốn mưu sinh…, thế nên nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn cứ tồn tại.
 Nhà siêu mỏng trên đường Vành đai 2, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trong buổi làm việc gần đây với Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở QH-KT Bùi Xuân Tùng thừa nhận, việc lập quy hoạch chi tiết các trục đường giao thông mới mở trên địa bàn TP còn bị kéo dài. Việc thực thi theo đồ án sau khi được phê duyệt chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường, vẫn phát sinh trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” dẫn đến sự chắp vá, thiếu đồng bộ về cảnh quan khi mở đường. Trên thực tế, phạm vi lập quy hoạch (tối thiểu 50m mỗi bên) đã được tuân thủ trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, song đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện việc thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường vì rất khó khăn về công tác GPMB và bố trí nguồn kinh phí của dự án (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách). Các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông đều chưa xem xét về việc bố trí nguồn vốn cho GPMB ngoài phạm vi mở đường trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Quân – Trưởng ban Đô thị khẳng định, việc GPMB các tuyến đường đã khó khăn, nhưng giải quyết nhà “siêu mỏng, siêu méo” còn vất vả hơn, nếu không có biện pháp ngăn chặn từ đầu. Trong khi các lãnh đạo chính quyền sở tại chưa quan tâm, quyết liệt, thiếu chủ động trong việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” có tư tưởng trông chờ, coi đó là trách nhiệm của TP. Bên cạnh đó, Sở QH-KT cũng cần nhanh chóng hơn trong việc tham mưu cho TP quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường.
Quan tâm đến lợi ích chủ sở hữu
TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, chừng nào phát triển đô thị chưa quan tâm đến những thửa đất còn lại sau thu hồi, cũng như chưa có quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố thì chừng đó vẫn còn những ô đất méo mó sau GPMB. Cộng với việc chính quyền sở tại chưa thực sự vào cuộc, người dân mạnh ai nấy làm, thì các loại nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tiếp tục mọc lên. Chính vì lẽ đó, Chỉ thị 20/CT-UBND ra đời đã hâm nóng lại những vấn đề đổi mới. Đặc biệt, thể hiện sự quyết liệt khi xác định rõ trách nhiệm của quận, huyện và chính quyền cơ sở địa phương trong xử lý, kiểm soát các công trình “mỏng, méo”. Tuy nhiên, để giải quyết “gốc rễ” vấn nạn “siêu mỏng, siêu méo” thì phải tiếp tục đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý. Trong đó, trước hết và trên hết phải có sự nhất quán các thiết kế đô thị và hoàn tất công tác đo đạc hiện trạng. Việc phát hiện ra nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay là ngay từ giai đoạn đo đạc, lập quy hoạch dự án. Trong khi đó, đa phần chúng ta để công trình “mỏng, méo” phát sinh rồi mới giải quyết. Hà Nội đã phát triển những mô hình xã hội hóa nhà siêu mỏng siêu méo bằng cách để cho dân tự thỏa thuận để hợp khối, hợp thửa nhưng chưa hiệu quả. Điều này chứng tỏ không chỉ là vấn đề đổi mới cơ quan trách nhiệm quản lý mà quan trọng còn là nâng cao tuyên truyền nhận thức của người dân để họ chủ động hợp khối. Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội phải có được sự ước lượng tương đối chính xác những dự án giao thông gắn với những dự án thu hồi đất với nguồn vốn hợp lý và đồng bộ thì mới có thể giải quyết được “vấn nạn” này.
Chỉ thị 20/CT-UBND định hướng chỉ kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm trật tự xây dựng, giải quyết dứt điểm các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng còn tồn đọng, không để phát sinh mới nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Nhưng còn rất nhiều dự án cũ có hiện tượng này như đường Trần Khát Chân kéo dài trên đê Nguyễn Khoái. Do đó, cần phải gắn với đổi mới dự án, tránh “siêu mỏng siêu méo” theo Luật Thủ đô, kết hợp rà lại với các dự án cũ để ngăn chặn siêu mỏng, méo.
Các chuyên gia quy hoạch – đô thị khẳng định, các định hướng chung của Chỉ thị 20 về tinh thần là đúng, nhưng đề xuất thời gian tới vẫn nên có một văn kiện mới có hiệu lực chính trị mạnh hơn để hâm nóng và tạo ra khí thế mới cho công tác xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Đồng quan điểm, theo TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ý nghĩa lớn nhất của Chỉ thị 20/CT-UBND là ngăn ngừa không để phát sinh mới nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở những dự án về sau. Tuy nhiên, đối với công trình đã tồn tại “án binh bất động” nhiều năm nay cần có hướng giải quyết dứt điểm chứ đừng loanh quanh phần “ngọn”. “Theo tôi, phải quan tâm đến lợi ích của chủ sở hữu các thửa đất có diện tích dưới 20m2. Chẳng hạn như ô đất đằng trước cỡ 20m2, đằng sau 200m2, khi hợp khối thành 220m2 ra mặt đường phải định lại giá cả. Trước đây, còn nằm trong ngõ chỉ bán được 50 triệu đồng/m2, bây giờ hợp khối ra mặt tiền bán được 100 triệu đồng/m2 thì phải trả cho chủ nhân ô đất 20m2 theo đúng giá đó, thậm chí tỷ lệ có thể cao hơn một chút mới đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích. Riêng đối với những dự án mới phải tuân thủ nghiêm ngặt phát triển đô thị hai bên đường mỗi bên 50m đúng như luật định”- ông Liêm kiến nghị.