Thời gian vừa qua, thực hiện đợt cao điểm về tăng cường xử lý vi phạm trật tự đô thị, tình trạng dừng đỗ phương tiện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội và Mệnh lệnh 02 của Giám đốc Công an TP, các lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm. Nhờ đó, đến thời điểm này, tình trạng dừng đỗ phương tiện sai quy định đã có những chuyển biến tích cực.
Theo Điều 231 Bộ luật Hình sự, người nào phá hủy công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội sẽ bị phạt tù từ 3 - 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 10 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý dừng đỗ phương tiện gần đây lại đang gặp không ít khó khăn do sự đối phó, thậm chí là phá hoại của một số đối tượng có liên quan. Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số tuyến đường như Trần Thái Tông, đoạn ngõ 75; Tuyến đường số 1, đoạn qua khu nhà tái định cư A6C, Khu đô thị Nam Trung Yên… các lực lượng chức năng đã cắm biển cấm dừng, đỗ phương tiện dưới lòng đường. Tuy nhiên, vì lợi ích riêng, một số đối tượng đã có hành vi phá hoại bằng cách phủ sơn đen lên biển cấm. Không chỉ vậy, một số đối tượng còn lén lút nhổ biển cấm… khiến việc kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác xử lý tình trạng xe ô tô dừng đỗ sai quy định còn gặp áp lực bởi hạ tầng giao thông. Theo quy định, các chủ phương tiện không được phép dừng đỗ trong khu vực nhà chờ, điểm dừng đỗ, đón trả khách của xe buýt. Nhưng thực tế, không phải khu vực nào cũng được sơn kẻ vạch cụ thể, rõ ràng khiến việc phân định phạm vi nhà chờ gặp nhiều khó khăn.
Sớm khắc phục những bất cậpChia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về thực trạng này, Trung tá Nguyễn Xuân Vượng - Trưởng Công an phường Trung Hòa cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp dừng đỗ phương tiện sai quy định nhưng vẫn không xuể. Lý giải cụ thể hơn, Trung tá Nguyễn Xuân Vượng cho biết, trước đây, tại khu vực trường THPT Lý Thái Tổ, lực lượng chức năng đã tổ chức cắm biển cấm dừng đỗ, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì tấm biển cấm đã bị tháo dỡ khiến việc kiểm tra xử lý gặp rất nhiều khó khăn. “Trong quá trình tuần tra hoặc khi người dân phản ánh, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, đẩy đuổi chứ không thể lập biên bản xử lý theo quy định vì biển cấm đã không còn. Trước tình trạng trên, Công an phường đã nhiều lần kiến nghị các đơn vị chức năng xem xét cắm lại biển cấm dừng, đỗ trên tại khu vực trên nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có phản hồi cụ thể” – Trung tá Nguyễn Xuân Vượng nhấn mạnh.
Đề cập việc biển cấm trên đường Trần Thái Tông, đoạn qua ngõ 75 bị bôi bẩn, Đại úy Trương Quốc Chính – Phó trưởng Công an phường Dịch Vọng cho biết, biển cấm trên mới được cắm cách đây khoảng nửa tháng. Khi phát hiện ra tấm biển bị bôi bẩn, các lực lượng chức năng đã đến hiện trường để tìm hiểu vụ việc, nhưng rất khó để xác định được ai là người thực hiện hành vi trên. Tương tự, đối với tình trạng dừng đỗ phương tiện trong khu vực nhà chờ xe buýt, lãnh đạo công an một số phường trên địa bàn TP chia sẻ, việc không có vạch kẻ phân định khu vực điểm dừng đỗ của xe buýt khiến người vi phạm luôn có cớ để chống đối lực lượng chức năng. Do đó, để ngăn chặn tình trạng đôi co giữa người vi phạm giao thông và lực lượng chức năng, cần tổ chức sơn kẻ vạch, phân định rõ ràng khu vực dừng chờ của xe buýt.