Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý… trên giấy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở Công Thương, đến nay, các quận, huyện trên địa bàn TP đã giải tỏa được 97 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm và còn 112 tụ điểm. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tại một số nơi đã giải tỏa, tình trạng tái vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Chợ cũ chưa dẹp xong…

Theo thống kê mới đây của Sở Công Thương, khu vực đảo tròn Văn Chương (phường Khâm Thiên), đầu ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan), phố Vĩnh Hồ (phường Ngã Tư Sở và Thịnh Quang) là 3 trong tổng số 14 điểm chợ cóc trên địa bàn quận Đống Đa đã được giải tỏa. Thế nhưng, khi chúng tôi có mặt tại những khu vực trên, tình trạng họp chợ sai quy định, gây cản trở giao thông vẫn diễn ra. Cụ thể, tại ngõ Thổ Quan, các hộ kinh doanh, gánh hàng rong vẫn thản nhiên "rải" hàng hóa, bàn ghế lấn chiếm lòng đường khiến ngõ Thổ Quan vốn đã nhỏ lại càng trở nên chật hẹp. Điều đáng nói, khu vực đó chỉ cách trụ sở UBND phường Thổ Quan vài chục mét và là con đường chính dẫn vào phường. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, những vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại.

 
Hoạt động mua bán tràn lan ngay giữa lòng đường Vĩnh Hồ, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động mua bán tràn lan ngay giữa lòng đường Vĩnh Hồ, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Đây cũng là thực trạng diễn ra trên phố Vĩnh Hồ, đã được báo Kinh tế & Đô thị nhiều lần phản ánh (ngày 28/3 và 7/7/2014). Sau mỗi lần phản ánh, chính quyền địa phương đều hứa xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo trật tự ATGT, mỹ quan đô thị. Thế nhưng, đến nay sau vài tháng trôi qua, tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến. Điều này lý giải tại sao, phố Vĩnh Hồ thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm.

Tại một số điểm chợ cóc, chợ tạm nằm trong danh sách đã được giải tỏa thuộc quận Hoàng Mai như, ngõ 396 phố Trương Định, đầu phố Định Công, làng Sở Thượng, ngõ Giáp Bát… tình trạng họp chợ sai quy định vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt là nhưng thời điểm vắng bóng các lượng chức năng.

... đã phát sinh vi phạm mới

Tại một số phường, xã, nhờ sự quyết liệt của chính quyền địa phương, tình trạng họp chợ tràn lan dù chưa được xử lý triệt để nhưng đã có nhiều chuyển biến tích cực, được người dân đánh giá cao như khu vực phía sau chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ cóc trên phố Vũ Tông Phan (khu vực giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và Hoàng Mai)… Thế nhưng, tại một số địa phương, dù đã tổ chức nhiều đợt ra quân, thực hiện nhiều biện pháp nhưng bộ mặt đô thị chưa có nhiều chuyển biến.

Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm là một trong những ví dụ. Tại đây, đã có lúc lực lượng tự quản giám sát chặt chẽ, khiến các chủ hàng buôn bán ở Chợ Chiều phải chạy dạt hẳn vào cả một trục đường dài, từ đường 70 đến đường liên thôn An Thái và Giao Quang, cũng trên địa bàn phường. Thậm chí, ở khu vực Chợ Chiều, nhiều chủ hàng buôn bán ngay trong cổng nhà dân, nên rất khó cho lực lượng chức năng xử lý. Mặc dù có lực lượng tự quản giám sát, nhưng tình trạng chợ cóc trên địa bàn phường không thuyên giảm, mà tiếp tục nở rộ. Ngoài khu vực Chợ Chiều và chợ cóc khu Bách Hóa tồn tại khoảng 40 năm nay, khu vực đường đi qua Cầu Đôi trên địa bàn phường đã mọc thêm chợ cóc mới.

Cũng trong tình trạng tương tự, tại khu vực đảo tròn Văn Chương (quận Đống Đa) sau một thời gian các lực lượng chức năng tổ chức ra quân, nhiều người vi phạm đã chuyển địa điểm họp chợ vào ngõ Văn Chương, lâu ngày biến khu vực này thành một điểm nóng về tình trạng họp chợ sai quy định. Gần như toàn bộ diện tích vỉa hè và một phần diện tích lòng đường ở khu vực này bị lấn chiếm làm nơi bày bàn ghế, hàng hóa gây cản trở giao thông. Thậm chí, có những lúc, những người bán hàng còn ngang nhiên biến phần vỉa hè trước trụ sở UBND phường Văn Chương làm nơi kinh doanh.