Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhận xét, việc xử lý các cơ sở thuộc diện theo Quyết định 64 của các địa phương lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy có nhiều cố gắng và tiến bộ, đặc biệt là thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình.
Còn ở Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định vẫn chưa hoàn thành xử lý được các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo tiến trình, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu kinh phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, di dời.
Tuy vậy, trong số 8 cơ sở chưa hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm nghiêm trọng theo quy định, đã có 4 đơn vị hoàn thành xây dựng công trình xử lý môi trường, hiện đang chờ thẩm định cấp phép việc hoàn thành xử lý triệt để; 4 đơn vị còn lại đều đang triển khai kế hoạch xử lý, dự kiến có 1 cơ sở nằm trên địa bàn Hà Nội sẽ hoàn thành xử lý vào cuối tháng 12 này. Nhờ đó đến nay chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy có xu hướng cải thiện hơn so với năm 2009.
Lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy.
Ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên lưu vực sông, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đã thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước ở đây với tần suất 5 lần/năm.
Đồng thời xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường sông Nhuệ-sông Đáy trên cổng thông tin điện tử và hệ thống thông tin giám sát môi trường lưu vực sông Nhuệ, thông qua mạng Internet với tên miền: http://Ivsnhue.cem.gov.vn . Hệ thống này cho phép cảnh báo trực tuyến các thông số vượt ngưỡng từ kết quả quan trắc tự động và đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời.
Ngoài số liệu quan trắc môi trường của Trung ương, các địa phương trên lưu vực sông cũng đã xây dựng và tiến hành quan trắc môi trường riêng. Cụ thể như thành phố Hà Nội tiến hành quan trắc 22 điểm trên sông Nhuệ và 14 điểm trên sông Đáy. Qua đó thông báo kịp thời cho nhân dân biết để hạn chế thiệt hại khi ô nhiễm môi trường xảy ra.