Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm đê điều vẫn nan giải

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn Hà Nội phát sinh 170 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Dù số vụ có giảm so với những năm trước, tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm các vi phạm vẫn là bài toán nan giải.

 Đê sông Đáy đoạn qua khu vực đội 6, thôn Trung Sơn, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: Nam Khánh.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, các vi phạm pháp luật đê điều chủ yếu là xây dựng công trình, chứa vật liệu trong hành lang đê, không gian thoát lũ; xây dốc, phá trạch, đắp và tôn cao đê… Trong số các địa phương có vi phạm, huyện Gia Lâm dẫn đầu với 31 vụ, tiếp đến là huyện Thường Tín 29 vụ, huyện Ba Vì 18 vụ…
Thực tế, vi phạm đê điều trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây đã có dấu hiệu giảm. Cụ thể, năm 2015 toàn TP xảy ra 326 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Năm 2016 xảy ra 233 vụ, giảm 93 vụ so với năm 2015. Năm 2017 xảy ra 190 vụ, giảm 43 vụ so với năm 2016. 10 tháng năm 2018 xảy ra 170 vụ, giảm 20 vụ so với năm 2017. Điều đáng nói là dù giảm về số vụ nhưng việc xử lý vi phạm đê điều mới phát sinh còn rất hạn chế. Từ đầu năm 2018 đến nay, tổng số vụ vi phạm mới phát sinh được xử lý chỉ là… 16 vụ, bằng khoảng 9,4% tổng số vụ vi phạm.

Lý giải về khó khăn trong xử lý vi phạm đê điều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Xuân Hải đánh giá, chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát trong vai trò giám sát, quản lý địa bàn. Việc ngăn chặn, xử lý vi phạm đê điều cũng chưa thực sự kiên quyết, dứt điểm. Bên cạnh đó, việc một số địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không xem xét đến Luật Đê điều của nhiều năm về trước dẫn đến tình trạng nhà dân nằm trong hành lang bảo vệ đê có giấy tờ thể hiện quyền sở hữu, khiến việc xử lý khó khăn hơn…

Trước tình trạng vi phạm pháp luật đê điều diễn biến phức tạp, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4906/UBND-KT yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm mới phát sinh, vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bãi bồi ven sông; kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật...

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương đề xuất UBND TP ưu tiên đầu tư bổ sung các hạng mục công trình phụ trợ như cắm mốc chỉ giới thoát lũ, chỉ giới bảo vệ đê điều. Xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê. Bên cạnh đó là nâng cấp các tuyến đê, kè kết hợp làm đường ven sông, nhằm ngăn chặn tình trạng đổ chất thải lấn chiếm bãi sông, lòng dẫn, dòng chảy, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, tạo cảnh quan môi trường…