Xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị: Chuyển biến chưa đều

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 6 tháng triển khai Quyết định số 3406/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thí điểm thành lập các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (TTXDĐT) trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã của TP, tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn đã giảm rõ rệt nhưng công tác xử lý vi phạm tồn đọng vẫn còn cao.

Tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn Thủ đô giảm rõ rệt trong thời gian gần đây. Ảnh: Doãn Thành
Đây là nội dung được báo cáo, đúc rút kinh nghiệm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 3406 của UBND TP do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 11/4.
Nhiều chuyển biến tích cực

Theo quyết định nêu trên, các Đội TTXDĐT được chuyển từ Thanh tra Sở Xây dựng về trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã. Mô hình thí điểm này được thực hiện trong 2 năm, từ tháng 8/2018 - 8/2020. Phó Chánh thanh tra Sở xây dựng Hà Nội Hồ Quang Anh cho biết, việc thí điểm thành lập các Đội TTXDĐT trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã đã góp phần giúp các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm về TTXD phát sinh trên địa bàn quản lý.
Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý TTXDĐT trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều công trình xây dựng sau khi lập biên bản xử phạt vẫn cố tình vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, việc xử lý chưa tốt một phần do công tác tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, đất đai... chưa sâu, chưa hiệu quả. Do vậy, thời gian tới sẽ phải có những biện pháp khắc phục để quản lý TTXDĐT đi vào nền nếp.

Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng

“Nếu như năm 2017, khi chưa thực hiện Quyết định 3406, số lượng các công trình vi phạm TTXD chiếm 10,99% thì sang năm 2018 đã giảm xuống còn 5,2% và tổng kết trong quý I/2019 còn khoảng 4,9%. Bộ máy của các Đội TTXDĐT sau khi được sắp xếp lại đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý vi phạm” - ông Hồ Quang Anh nói.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2019, các Đội TTXDĐT đã tiến hành kiểm tra trên 1.300 công trình, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 65 trường hợp vi phạm. Trong đó, đa số các trường hợp vi phạm TTXDĐT đều là nhà ở riêng lẻ. Dẫu vậy, trong 6 tháng thực hiện thí điểm mô hình Đội TTXDĐT, tình tình vi phạm TTXD ở một số địa bàn như Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai... vẫn diễn biến phức tạp.

Giải quyết vướng mắc để kiện toàn

Ông Hồ Quang Anh cho biết, mặc dù tình trạng vi phạm TTXDĐT trên địa bàn TP có chiều hướng giảm trong thời gian gần đây, nhưng kết quả xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong giai đoạn 2015 - 2017 vẫn còn tồn đọng, tính đến hết tháng 3/2019, vẫn còn 80 trường hợp chưa xử lý được. “Những trường hợp vi phạm từ năm 2015, xuất phát từ việc những quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị một số nơi còn thiếu, đặc biệt tại các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa cao, nhưng chất lượng cấp phép vẫn còn hạn chế. Cùng với đó là công tác quản lý đất đai bị buông lỏng, từ vi phạm về đất đai dẫn đến những vi phạm về TTXDĐT, xây dựng công trình trên đất không được phép” - ông Hồ Quang Anh cho biết thêm.

Bên cạnh công tác quản lý TTXDĐT, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phối hợp quản lý giữa chính quyền cơ sở và các Đội TTXDĐT vẫn còn chồng chéo. Theo ông Phạm Hữu Tiến - Đội trưởng Đội TTXDĐT huyện Đông Anh, tuy là đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã, nhưng các đội lại không được tham gia vào công tác tại địa bàn như các phòng, ban chuyên môn khác mà chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, lập biên bản nếu có vi phạm nên dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý.

“Thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các Đội TTXDĐT chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, báo cáo, đề xuất, không có thẩm quyền xử phạt. Vì vậy, hiệu quả xử lý các trường hợp vi phạm còn chậm trễ và hiệu quả xử lý chưa cao” - ông Phạm Hữu Tiến nói; đồng thời cho biết, hiện nay mô hình các Đội TTXDĐT trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã vẫn đang ở trong giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, qua những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các Đội TTXDĐT sẽ có những đề xuất, tham mưu với chính quyền địa phương, báo cáo Thành ủy, UBND TP có những bổ sung khi mô hình đi vào hoạt động chính thức.