Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý xe máy đi vào đường Vành đai 3 trên cao: Thuốc đắng chưa dã được tật

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu, tình trạng xe máy, xe ba bánh cố tình đi vào đường Vành đai 3 trên cao gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Dù các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm, nhưng tình trạng này chưa có nhiều chuyển biến.

Lực lượng CSGT xử lý trường hợp đi xe máy trên đường Vành đai 3 trên cao.
Nghịch lý
Để đảm bảo trật tự ATGT trên đường Vành đai 3, tại hai đầu của tuyến đường, các đơn vị chức năng đã lắp đặt hệ thống biển báo phân làn, biển cấm mô tô, xe máy và người đi bộ tham gia giao thông trên cầu. Hệ thống biển báo còn được nhắc lại tại những điểm lên, xuống dọc theo tuyến đường. Nhưng thời điểm này, tình trạng mô tô, xe máy, xe ba bánh, người đi bộ cố tình di chuyển vào đường cấm, xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.

Ngày 8/5, khi cùng tổ tuần tra kiểm soát lưu động của Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên tuyến đường này, phóng viên ghi nhận vẫn có nhiều trường hợp cố tình di chuyển sai quy định. Thế nhưng, dễ phát hiện không có nghĩa là dễ xử lý, bởi đây là đường cao tốc, các phương tiện thường di chuyển với tốc độ cao nên chỉ cần sơ suất một chút TNGT có thể xảy ra. Hơn nữa, theo quy định hiện tại của Công an TP, các lực lượng chức năng chỉ được phép tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, nên khó khăn tăng lên. Đó là chưa kể đến việc, nhiều trường hợp xe máy, mô tô khi phát hiện lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đã quay xe đi ngược chiều, hoặc rồ ga bỏ chạy.

Hiện đại hóa việc

kiểm tra, giám sát

Trao đổi với một cán bộ trong tổ tuần tra, kiểm soát của Đội CSGT số 7 được biết, tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn dài khoảng 1km với 4 điểm lên xuống tại khu vực Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến - Đại lộ Thăng Long. Những khu vực này thường xuất hiện nhiều xe khách, xe ôm dừng đỗ đón trả khách sai quy định. Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát lưu động để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Bởi chỉ cần thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, các lái xe sẽ không dám vi phạm, nhưng chỉ cần lực lượng chức năng đi khuất tầm mắt, vi phạm lại tái diễn.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Phó đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP cho rằng, để ngăn chặn triệt để vi phạm trên đường Vành đai 3 trên cao, cần sự vào cuộc của tất cả các lượng chức năng trên các địa bàn dọc tuyến để xử lý những đối tượng vi phạm cả trên mặt cầu và những tuyến đường dẫn lên xuống. Về lâu về dài, các đơn vị có chức năng cần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống camera giám sát, tổ chức phạt nguội. Đồng thời, kiến nghị Sở GTVT các địa phương có phương tiện di chuyển qua địa bàn Hà Nội tăng cường giám sát thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Theo Nghị định 46 quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người điều khiển xe máy và các phương tiện tương tự như xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.