Xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng: Quyết định gây tranh cãi

Bài, ảnh: Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, việc Bộ GTVT quyết định xử phạt những phương tiện không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng chứng tỏ cơ quan này đã “cạn kế” trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc về triển khai dự án thu phí không dừng.

Đầu tháng 11/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam gây chú ý với tuyên bố, những trường hợp điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị xử phạt.
“Tối hậu thư” 10 ngày
Ban đầu, trong văn bản gửi tới Bộ Công an về việc phối hợp kiểm tra, xử lý những trường hợp phương tiện không dán thẻ tự động đi vào làn thu phí không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bắt đầu thực hiện tại một số trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ trọng điểm từ ngày 11/11. Và từ ngày 26/11, triển khai tại các trạm thu phí còn lại (đã có làn ETC).
Nhưng không lâu sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin chính thức rằng, việc xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng được chia làm nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu kéo dài 10 ngày, tính từ ngày 11/11 sẽ chưa thực hiện việc xử phạt vi phạm, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, phân luồng giao thông cho các xe đi đúng làn dành riêng. Sau thời hạn 10 ngày (tức đến ngày 21/11) sẽ là giai đoạn thực hiện việc xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại trạm thu phí.
 Các phương tiện không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng sắp bị xử phạt. 
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, dù đã được tuyên truyền rất nhiều về dự án thu phí không dừng song hiện vẫn còn nhiều phương tiện dán thẻ nhưng chưa nạp tiền vào tài khoản để sử dụng. Đặc biệt, vẫn còn nhiều chủ xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng.
Đến hôm nay, thời hạn 10 ngày “tập trung tuyên truyền, hướng dẫn” đã hết nhưng việc Bộ GTVT quy định xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng vẫn gây nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả.
Bỏ qua nhiều bất cập?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, để dự án thu phí không dừng được triển khai đạt hiệu quả cao nhất, Bộ GTVT phải đứng trên lợi ích của người dân, người sử dụng dịch vụ để đưa ra những giải pháp hợp lý.
“Dự án này phải được triển khai một cách đồng bộ chứ sử dụng biện pháp cưỡng bức hành chính là không nên” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định. Đồng thời khuyến cáo Bộ GTVT xem xét và cân nhắc thật kỹ lưỡng, thận trọng trước khi quyết định có áp dụng biện pháp xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng hay không.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhận định, việc Bộ GTVT đưa ra phương án xử phạt chứng tỏ cơ quan này đã “cạn kế” trong việc giải quyết những vướng mắc khi triển khai dự án thu phí không dừng.
“Người dân là những người sử dụng dịch vụ, phải thấy việc thu phí không dừng mang lại lợi ích thì họ mới làm. Đấy là điều quan trọng nhất. Bộ GTVT cần phải đi tìm ra nguyên nhân tại sao người dân vẫn chưa mặn mà với việc dán thẻ thu phí không dừng?” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông khẳng định, phương tiện không dán thẻ nhưng vẫn cố tình đi vào làn tự động là hành vi không đúng. Tuy nhiên, việc Bộ GTVT xử phạt những trường hợp này là nhằm mục đích ép các chủ phương tiện phải dán thẻ đầu cuối. “Khi dùng biện pháp ép buộc người dân phải đi dán thẻ như thế thì đương nhiên sẽ khó lòng đem tới hiệu quả cao” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo chuyên gia giao thông, đối với những vướng mắc, bất cập ở dự án thu phí không dừng hiện nay, Bộ GTVT cần xử lý trên tinh thần vướng đâu gỡ đó, sai đâu sửa đó. Một trong những cái sai này bắt nguồn từ chính Bộ GTVT khi cơ quan này không chịu tìm hiểu rõ thu phí không dừng có lợi như nào, bất lợi, bất cập ra sao.
“Một trong những bất cập lớn nhất là thu phí không dừng ở nước ta hiện nay có rất nhiều công nghệ không tương thích. Đơn cử như lúc đầu VETC làm thì các xe phải dán thẻ của VETC, lập một tài khoản ngân hàng tương ứng. Sau đó khi cho Viettel làm lại một thẻ nữa, một tài khoản nữa... Chỉ riêng công đoạn này đã thấy rất lằng nhằng rồi” – TS Nguyễn Hữu Đức phân tích.

"Đúng ra, từ đầu khi triển khai dự án, Bộ GTVT nên để cho nhà đầu tư BOT chủ động làm việc, đàm phán với đơn vị lắp đặt thiết bị thu phí tự động. Đằng này, Bộ GTVT lại nhảy vào thương lượng hợp đồng từng chi tiết. Như vậy là sai vai trò. " - Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần