KTĐT - Ba năm nay, cứ độ Tết đến, Xuân về, tôi đều gắng thu xếp thời gian về Chương Mỹ, vì một lẽ con người ở đây thân thiện, chân thành, năng động, quyết đoàn trong công việc và sản vật ở đây phong phú…
Dịp này, về huyện nhìn đường phố được chỉnh trang, sạch đẹp, khang trang, băng rôn, cờ phướn, khẩu hiệu mừng Đảng - mừng Xuân, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI… Trên các nẻo đường, từ cầu Mai Lĩnh - chạm đất Chương Mỹ, hai bên đường rau tươi, củ quả, thực phẩm bày bán ngồn ngộn. Nhiều thứ hàng gia dụng tràn ngập các cửa hàng từ thị trấn Chúc Sơn - suốt tới Xuân Mai…. Lòng người chợt xốn xang đón xuân về.
Sắc xuân vườn mới
Hôm về huyện, tôi theo đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy đi thăm một số mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một trong số đó là vườn "cam Canh - bưởi Diễn"của anh Đinh Công Thắng, ở xã Trần Phú. Khu vườn đẹp như một bức tranh xuân. Những hàng cam, bưởi cây lá xanh mướt, quả đỏ vàng, sai trĩu chạm cả mặt đất. Nếm trái cam đầu vụ chủ nhà mời, khách ai cũng tấm tắc khen vị ngọt của trái cam mỏng vỏ, ăn một rồi muốn hai… Anh Thắng cho biết, khu vườn vốn trồng sắn (rộng 1,2 ha), gia đình anh Thắng thu nhập không đủ ăn, nay trồng 400 gốc bưởi, 700 gốc cam, từ năm ngoái đến năm nay cho thu hoạch, ước khoảng 20 tấn, giá bán buôn tại vườn 33.000 đồng/kg, đã cho anh hoàn vốn đầu tư, ước nửa tỷ đồng, một số tiền khá lớn. Nếu cứ đà này, mỗi năm lãi thu cỡ trăm triệu đồng. Chia vui với chủ nhà, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch UBND huyện Trần Vũ Lâm đều gợi ý nên nghiên cứu, chuyển những cây cam đẹp thành cây cảnh bán dịp Tết, chắc giá trị thu còn cao hơn... Câu chuyện trở nên rôm rả, khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Văn Doanh, phụ trách nông nghiệp cho hay, tại khu chuyển đổi này có 46 hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ trồng xen canh cây rau ngót, nuôi gà đồi… đã thu hàng trăm triệu đồng/năm…
Rời khu vườn, đoàn tới thăm xã Hồng Phong - địa phương từ tháng 9/2010 trồng thí điểm 14 ha giống ớt Hàn Quốc xuất khẩu. Bí thư Đảng ủy xã Đào Ngọc Uyển cho biết, kết quả khá tốt, hơn 2 tháng trồng, nhiều cây cho thu hoạch, quả to dài cả gang tay; giá hợp đồng là 4.000 đồng/kg; đầu tư mỗi sào hết 400 nghìn đồng… Đây là mô hình còn rất mới, dự kiến sẽ nhân rộng trồng khoảng 200 ha, tại các xã Hồng Phong, Thượng Vực, Hoàng Văn Thụ, Văn Võ, Đồng Phú… Theo lãnh đạo huyện, đến nay toànhuyện đã dồn điền đổi thửa được trên 905 ha, trong đó đưa vào trồng 753,6 ha các loại cây ăn quả dài hạn, ngắn hạn, hoa cảnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Nhiều người dân đã giàu lên từ cách làm ăn mới này….
Một năm ấn tượng
Tiếp câu chuyện trên, Chủ tịch UBND huyện Trần VũLâm cho rằng, năm qua các mục tiêu quan trọng của Chương Mỹ đều hoàn thành. Kinh tế đạt tăng trưởng 13,4% so năm 2009, với tổng giá trị sản xuất (GTSX) đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, thu ngân sách 1.090,9 tỷ đồng, tăng 221,5% so dự toán, thu nhập bình quân đạt 11,3 triệu đồng/người/năm, GTSX nông nghiệp đạt 74 triệu đồng/ha canh tác. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đạt mục tiêu, với tỷ trọng: công nghiệp - TTCN (chiếm 42%); dịch vụ, thương mại (36%), nông nghiệp (22%). Cây lượng thực là chủ đạo đạt trên 117,4 vạn tấn, đạt trên 110% so Nghị quyết HĐND huyện. Ngành chăn nuôi, với đàn lợn có trên 105,9 vạn con; trâu bò 1,9 vạn con, gia cầm trên 2,35 triệu con. Huyện còn có 1755 ha nuôi trồng thủy sản cung cấp gần 3.000 tấn/năm… Chương Mỹ đã trở thành vành đai xanh, cung cấp lượng lớn nông sản thực phẩm cho thị trường thành phố.
Năm qua, huyện quan tâm hỗ trợ, mở 55 lớp học nghề thủ công truyền thống, với kinh phí 1,8 tỷ đồng cho 2010 lao động của 24 xã; quy hoạch (QH) phát triển làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa) gắn với du lịch, quy mô 34,5 ha, khái toán giá trị 65,6 tỷ đồng;QH các cụm CN, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu CN Phú Nghĩa, xây dựng nhà ở cho công nhân; đường vào cụm CN Ngọc Sơn, chuyển 165 lò gạch thủ công sang công nghệ tiên tiến lò tuy-nel, lò Hoopman, lò đứng nung liên tục… bảo đảm môi trường và phát triển bền vững.
Trong năm 2010 huyện Chương Mỹ triển khai 127 dự án xây dựng cơ bản, với tổng vốn đầu tư trên 884, 8 tỷ đồng; phê duyệt 4 dự án đấu giá QSDĐ với diện tích 2,852 ha, đã ứng vốn XD hạ tầng và tổ chức đấu giá; điện dân sinh tăng 20%so cùng kỳ…Chú trọng vệ sinh môi trường, vận chuyển khỏi huyện 16.000 tấn rác; hỗ trợ 20 xã, thị trấn xây dựng 27 hố rác chôn lấp tại chỗvới khối lượng 6500 tấn. Quan tâm chỉnh trang đô thị, cùng với việc xử lý các công trình vi phạm, giải tỏa hàng nghìn m2 đất hành lang giao thông, dỡ bỏ trên 2650 biển quảng cáo - rao vặt trái phép, góp phần phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làm đẹp cửa ngõ vào thành phố…
Về đầu tư cho giáo dục - y tế, huyện đã xây dựng xóa 309 phòng học tạm, xuống cấp, cải tạo anh sáng cho 494 phòng học khác, xây mới 45 nhà vệ sinh, trang bị 9.378 bộ bàn ghế đúng quy cách; đến nay 100% giáo viên phổ cấp tin học và các trường có mạng internet, trang bị máy chiếu đa năng, phần mềm quản lý hỗ trợ giáo viên giảng dạy. Đồng thời xây dựng thêm 5 xã chuẩn quốc gia y tế, nâng tổng số lên 27/32 xã đạt tiêu chuẩn này và đạt 100% xã có bác sĩ, 100% thôn có nhân viên y tế…
Tạo đà đi lên
Theo Chủ tịch huyện Trần Vũ Lâm, một ấn tượng trong năm 2010 là cải cách hành chính. Chẳng là, tháng 7/2010 huyện xây dựng xong bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC "một cửa", đến nay, lĩnh vực hoạt động hiệu quả, cải thiện, phục vụ người dân, tổ chức tốt lên rất nhiều.
Chương Mỹ phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện công nghiệp. Trong đó, năm 2011, kinh tế phấn đấu tăng trưởng 13,7%, thu ngân sách tăng 10% trở lên, thu nhập bình quân 12,2 triệu đồng/người/năm, sản xuất nông nghiệp đạt 77 triệu đồng/ha canh tác, giảm 2000 hộ nghèo trở lên, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%, thu hút 5000 lao động việc làm tại các doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đẩy mạnh phát triển CN- TTCN, XDCB trở thành ngành kinh tế chủ lực. Tập trung đẩy nhanh công tác GPMB, mở rộng diện tích KCN Phú Nghĩa, các cụm CN- TTCN làng nghề đã được phê duyệt; XD cơ sở hạ tầng cụm CN Đông PhúYên, Ngọc Sơn, KCN Phú Nghĩa; Quy hoạch chi tiết thị trấn Xuân Mai, Chúc Sơn, XD trung tâm thương mại Chúc Sơn, chợ bán buôn nông - lâm sản Đông Phương Yên; cải tạo chợ Xuân Mai, Chúc Sơn, Đông Phương Yên; khảo sát lậpdự án xây chợ 4 xã nghèo, xã có đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Trần Phú, Thanh Bình, Đồng Phú, Hoàng Văn Thụ, Thượng Vực; đề nghị thành phố xây dựng bến xe trung tâm thị trấn Xuân Mai, Miếu Môn, Chúc Sơn; QH chi tiết và lập DA đầu tư các khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng: Đồng Mô, du lịch chùa Chầm, chùa Trăm Gian, triển khai thực hiện dự án Khu đô thị mới làng Thời Đại (Xuân Mai)…; bê tông, nhựa hóa các đường liên xã; XD các cầu qua sông Bùi, sông Đáy… Trong nông nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, thực hiện dự án 150 ha rau an toàn vùng ven sông Đáy; khoảng 200 ha nuôi rồng thủy sản tại cấc xã: Trung Hòa, thanh Bình, Tấn Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ; cải tạo từ 150 - 200 ha trồng ớt xuất khẩu; hoàn thành cơ bản XD nông thôn mới ở xã Thụy Hương, triển khai ở 12 xã khác…
Mặt khác, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp các ngành, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, thi đua lập thành tích, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngay quý I/2011; chào mừng các thành tựu Thủ đô và đất nước, mừng Đảng - mừng Xuân và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đảm bảo nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Mão, trong đó các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo… trong không khí phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, lành mạnh.