KTĐT - Phần lớn các đồ nữ trang vàng từ Việt Nam xuất đi đều có chung điểm đến là các lò nung chảy của các công ty tinh chế lớn.
Trong hai năm trở lại đây, các công ty của Việt Nam đã xuất khẩu sang Thụy Sỹ một số lượng lớn vàng trang sức có trị giá lên tới hàng tỷ USD, để nấu chảy và đúc thỏi, nhằm đối phó với lệnh cấm xuất khẩu vàng miếng của Chính phủ, thông tin từ tờ Financial Times cho hay.
Theo tờ báo này, trước năm 2008, Việt Nam chỉ xuất khẩu một số lượng rất hạn chế trang sức làm bằng vàng sang Thụy Sỹ, quốc gia nổi tiếng thế giới với ngành công nghiệp luyện vàng, có thể biến mọi thứ trang sức làm bằng vàng từ nhẫn cho tới chân nến thành vàng thỏi tiêu chuẩn quốc tế.
Nhưng điều này đã thay đổi trong vòng hai năm trở lại đây, khi Việt Nam trở thành nguồn nhập khẩu các sản phẩm từ vàng lớn nhất và duy nhất của Thụy Sỹ. Phần lớn các đồ nữ trang vàng từ Việt Nam đều được đưa tới các lò luyện của các hãng tinh chế lớn như Argor-Heraeus, Metalor, MKS Finance và Valcambi.
Cameron Alexander, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc hãng tư vấn kim loại quý GFMS, nói: "Ở Việt Nam, các doanh nghiệp không thể tự do xuất khẩu vàng miếng, cho nên họ "hô biến" chúng thành vàng trang sức để dễ dàng xuất đi nước ngoài. Đó là một lỗ hổng và những người cần Đô la đã lợi dụng điểm này".
Cục Hải quan Thụy Sỹ cho hay, năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu gần 61 tấn các kim loại quý sang Thụy Sỹ, trong đó hầu hết là các sản phẩm làm bằng vàng, thu về 2,6 tỷ France Thụy Sỹ (2,8 tỷ USD). Trước đó, năm 2009, Việt Nam đã xuất đi 54 tấn vàng, thu về 1,9 tỷ france Thụy Sỹ. Số liệu này không bao gồm vàng miếng, vốn được xem là "vàng tiền tệ".
Theo lời Hasan Demir, quan chức thuộc cơ quan thống kê hải quan Thụy Sỹ, "các công ty Thụy Sỹ nổi tiếng về nấu chảy và đúc vàng thỏi nguyên chất. Với mức giá vàng cao như hiện tại, cộng thêm việc đồng tiền Việt Nam mất giá, nên những người nắm vàng trong tay ở Việt Nam ngày càng muốn bán ra mặt hàng này".
Financial Times dẫn lời bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ cho biết, lượng vàng trang sức từ Việt Nam xuất sang Thụy Sĩ đặc biệt tăng mạnh trong những thời điểm giá vàng tại Việt Nam thấp hơn thị trường quốc tế.
Không chỉ tìm cách lách luật, theo tờ báo trên, ở Việt Nam còn có hiện tượng nhập lậu vàng, khi Chính phủ cấm nhập khẩu kim loại quý này nhằm quản lý hiệu quả thị trường vàng trong nước.
"Khi bị cấm đoán, người ta sẽ tìm cách buôn lậu. Trong vài năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy một lượng lớn vàng được đưa vào Việt Nam một cách không chính thức, qua các con đường như Thái Lan, Lào và Campuchia, bên cạnh các nguồn từ Trung Quốc", chuyên gia Cameron Alexander nói.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu đá quý, kim loại quý và các sản phẩm đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 124,7% so với năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng này đạt kim ngạch 2,82 tỷ USD, tăng 3,4%. Còn trong năm 2009, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 2,73 tỷ USD trong khi nhập khẩu chỉ đạt 492,1 triệu USD.