KTĐT - Theo đánh giá của các cơ quan chống buôn lậu, trên các tuyến vùng biên và cửa khẩu, cảng biển, hàng hóa nhập lậu rất sôi động. Đặc biệt đã xuất hiện tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại cả container hàng vào TP.HCM...
Trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm về buôn lậu vẫn là các khu vực cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh...
Đường dây bảo kê buôn lậu chuyên nghiệp
Theo thống kê của C46, năm 2010 lực lượng cảnh sát kinh tế phát hiện, bắt giữ 11.978 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và trốn lậu thuế, thu giữ hàng hóa trị giá 512 tỉ đồng. Trong đó, có 5.620 vụ buôn lậu với trị giá hàng hóa thu giữ 223 tỉ đồng. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-12-2010 đã bắt giữ 13.846 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 436 tỉ đồng. Đặc biệt, lực lượng hải quan thu giữ 1,8 tấn vảy tê tê, hơn 5,3 tấn ngà voi, 9kg vàng... |
Đối tượng buôn lậu chủ yếu là cư dân biên giới, thạo ngôn ngữ, địa bàn, có quan hệ với các đối tượng buôn bán người nước ngoài cùng một số doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu...
Tại các cửa khẩu, đối tượng thường khai sai tên hàng, số lượng, chất lượng, nhãn hiệu, mục đích sử dụng của hàng hóa, giá khai báo thấp hơn giá thanh toán thực tế, nhập hàng không đủ điều kiện tiêu chuẩn, kỹ thuật theo quy định của pháp luật, quay vòng hồ sơ chứng từ.
Theo đánh giá của đại tá Nguyễn Đức Thịnh - cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an, trên tuyến Tây Nam - TP.HCM, mặt hàng buôn lậu chính là thuốc lá, ngoại tệ, rượu ngoại, mỹ phẩm...
Hàng hóa được tập kết ở biên giới Campuchia gần khu vực Mộc Bài, Trảng Bàng (Tây Ninh)... rồi được vận chuyển bằng xe khách, ghe xuồng về TP.HCM. Đáng chú ý, C46 đánh giá trên tuyến Tây Nam tồn tại những tụ điểm, đường dây hoạt động với thủ đoạn chia nhỏ cung đoạn để vận chuyển, thuê người cảnh giới, sử dụng các bộ chứng từ lưu thông hàng hóa trên đường để quay vòng nhiều lần.
Trong khi đó tại tuyến biên giới phía Bắc, dù tình trạng buôn lậu có giảm nhưng rượu, pháo, tiền giả, quần áo, giày dép, hàng bách hóa vẫn được nhập lậu với số lượng lớn. Hàng hóa chủ yếu đi qua hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, sau đó vận chuyển theo quốc lộ 1A và 18 về nội địa.
Tại các địa phương đã hình thành đường dây bảo kê buôn lậu chuyên nghiệp sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng như hàng loạt vụ cướp hàng trên tàu hỏa từ Lạng Sơn về Hà Nội, vụ cán bộ hải quan bị tấn công gây thương tích, ép đưa sang Trung Quốc làm con tin...
Thượng tá Lê Hồng Sơn, phó Phòng PC46 Hà Nội, thừa nhận trên tuyến đường sắt đã có các băng nhóm bảo kê buôn lậu và Công an Hà Nội rất khó khăn mới bắt giữ được những lô hàng lớn như vụ bắt tàu khách chở hàng tối 6-1. Theo ông Sơn, phải kiểm soát chặt từ khu vực biên giới mới có thể hạn chế hàng lậu vào nội địa.
Nhập lậu cả container hàng vào cảng biển
Trên tuyến cảng biển, đặc biệt là khu vực phía Nam, hàng lậu, gian lận thương mại được đánh về nội địa bằng cả container chứ không đơn thuần là những xe hàng như trước đây.
Thượng tá Lê Hồng Sơn cho biết trước đây địa bàn Hà Nội là khu vực trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc vào TP.HCM. Các đối tượng buôn lậu đưa hàng về Hà Nội, sau đó mới vận chuyển vào phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội không còn vai trò trung chuyển vì các đối tượng buôn lậu sử dụng tàu biển chở thẳng hàng hóa từ Trung Quốc vào các tỉnh phía Nam, thậm chí bằng cả tàu container. Khi đến cảng biển khu vực TP.HCM và vùng lân cận, các tàu này cập cảng, khai báo hàng hóa thuộc luồng xanh để được miễn kiểm hóa, đưa vào nội địa tiêu thụ.
C46 nhận định việc lượng hàng hóa nhập qua cảng biển được hải quan miễn kiểm đến 75% cũng dẫn đến khả năng buôn lậu và gian lận thương mại qua đường giao nhận ngoại thương khu vực cảng biển TP.HCM rất cao. Thực tế lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu lớn qua cảng TP.HCM như vụ Công ty Vĩnh Hảo nhập lậu một container máy tính xách tay trị giá trên 3 tỉ đồng, vụ Công ty Tô Minh Vân móc nối với cán bộ hải quan thay đổi tờ khai nhập lậu hàng tiêu dùng bách hóa trị giá hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, do dạng tội phạm này rất tinh vi nên C46 thừa nhận việc phát hiện còn thấp.
Tương tự, Tổng cục Hải quan nhận định hoạt động buôn lậu trên tuyến biển diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trọng điểm. Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng trọng điểm buôn lậu gồm ôtô, xe máy, phụ tùng ôtô, xe máy, sắt thép, nguyên liệu thực phẩm, hàng tiêu dùng, gỗ, vải, quần áo, rượu, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh...
Các loại hàng này có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Do đó, Tổng cục Hải quan chú trọng đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại bằng cách chú ý tới các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm pháp luật hải quan, các doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp thường xuyên đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm, thường xuyên hủy tờ khai xuất khẩu đã được phê duyệt hình thức mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa và các doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan, làm dịch vụ chuyển khẩu, tạm nhập - tái xuất.