KTĐT - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc cho phép các doanh nghiệp khai thác chế biến quặng barit trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2011-2015 được phép xuất khẩu khoảng 70.000 tấn/năm bột barit sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo thực hiện việc xuất khẩu bột barit trên theo quy định, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng bán phá giá hoặc ép giá thu mua bột barit của các đơn vị sản xuất.
UBND tỉnh Tuyên Quang được giao nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn nghiên cứu từng bước thực hiện việc chuyển sang sản xuất, chế biến Felsspat, vật liệu xây dựng để tận dụng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất đã đầu tư, duy trì đội ngũ lao động.
Được biết, toàn tỉnh Tuyên Quang có 6 doanh nghiệp với 13 dây chuyền sản xuất barit, tổng công suất trên 320.000 tấn/năm. Phần lớn sản lượng barit được sử dụng trong ngành công nghiệp dầu khí. Barit chiếm đến 40% thành phần nước bùn khoan. Những lĩnh vực ứng dụng khác của barit là làm chất độn trong các sản phẩm chất dẻo và chất kết dính, lớp sơn lót cho ôtô, làm lớp bảo vệ trong màn hình ti vi có tác dụng bảo vệ chống phóng xạ từ các ống catôt. Trong ngành thủy tinh, barit được sử dụng làm chất trợ chảy, chất oxi hóa và khử màu. Barit còn là nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm hóa chất. Trong y tế, bột barit được sử dụng cho các bệnh nhân chiếu chụp rơn-ghen dạ dày, vì BaSO4 có tác dụng ngăn tia X. |