Đạt được điều này là do có sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, ngành hàng trong việc tìm kiếm, nắm bắt cơ hội, đầu tư kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và khẳng định được thương hiệu của mình trên thương trường quốc tế. Có thể nói, xuất khẩu Việt Nam với những kỷ lục mới về tăng trưởng, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014.
Nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Năm 2014, ngành da giày Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu đạt, với 12 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu sản phẩm da giày lớn nhất thế giới, nhờ vào giá cả cạnh tranh.
Đáng chú ý là doanh nghiệp tận dụng được những thuận lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam từ tháng 1/2014, với mức thuế giảm từ 3-4%, giúp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU - một thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam nhận định: “Trước đây, tăng trưởng chỉ đạt 15% nhưng cho đến thời điểm này tốc độ tăng trưởng của ngành đã đạt tới 18%. Phát triển tốt như vậy là do nỗ lực đáng kể của doanh nghiệp trong ngành, và nhờ nắm bắt được các cơ hội thị trường đang ngày càng rộng mở”.
Nhìn tổng thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 đạt tới 150 tỷ USD, tăng hơn 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điện thoại và linh kiện có mức xuất khẩu tới hơn 24 tỷ USD. Kế đến hàng dệt may với gần 21 tỷ USD. Đặc biệt là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt kỷ lục gần 31 tỷ USD, tăng hơn 11 % so với năm ngoái (tương đương với 3 tỷ USD).
Năm 2014 cũng đánh dấu nhiều nỗ lực xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ EU, Nga… để đàm phán, tháo gỡ những rào cản, khai thông, mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định, giảm thiểu thiệt hại khi có những biến động bất thường. Nhờ vậy mà xuất khẩu khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng chưa từng có.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đối mặt với không ít khó khăn, đó là rào cản thương mại của nước nhập khẩu và việc đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng. Đã từng có trường hợp hàng nông sản, thủy sản bị cảnh báo nhiễm chất kháng sinh cấm hoặc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…
Ông Vũ Huy Thủ, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Đại Dương Xanh cho rằng, thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu, bên cạnh đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, phải chú trọng hơn nữa đến chất lượng sản phẩm, để xây dựng thương hiệu hàng xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam: “Hướng năm tới của chúng tôi là mở rộng sản xuất nuôi trồng các loại thủy sản để tăng thêm các mặt hàng xuất khẩu. Thứ hai là đầu tư kỹ thuật để nâng cao năng suất, chú trọng đến những loại mặt hàng để có thể xuất khẩu sang các thị trường khác khó tính hơn như Nhật, EU, hướng lâu dài sẽ xuất khẩu sang Mỹ”.
Xuất siêu đạt khoảng 2 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay
Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, song một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam là con số xuất siêu tới gần 2 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay. Trước đó, Việt Nam ta đã có 20 năm nhập siêu triền miên. Những năm gần đây, Việt Nam xuất siêu trở lại, song chỉ từ 300 nghìn USD (năm 2011), đến 900 triệu USD (năm 2013).
Do đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, xuất siêu gần 2 tỷ USD là một điểm sáng của nền kinh tế, góp phần nâng cao dự trữ ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cán cân xuất khẩu và xuất siêu vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi xuất siêu tới 17 tỷ USD (cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm 2013). Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu lên tới 15 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dự vào đầu tư nước ngoài. Trong đó tỷ lệ xuất khẩu điện thoại của Samsung, các doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn. Nhưng trong phần xuất khẩu sản phẩm điện tử đó thì giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ khoảng 9-10% cho nên giá trị xuất khẩu thì lớn nhưng phần Việt Nam thu được lợi tức ròng chưa cao. Đây là những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.”
Nhiều cơ hội đến từ các hiệp định thương mại
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2014, Việt Nam cơ bản đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan và sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để có thể thực hiện Hiệp định trong năm 2015. Cũng trong năm tới, Việt Nam tiếp tục tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, đây là những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường và đạt mức tăng trưởng cao hơn: “Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Trong tình hình khó khăn vẫn đạt được kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ giao cho, vừa tăng kim ngạch xuất khẩu vừa tạo ra thặng dư ngoại tệ, tạo công ăn việc làm. Trong thời gian tới, đây tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam. Năm 2015, ít nhất có 2 hiệp định vào đầu năm 2015 có giá trị pháp lý. Đó là Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Liên minh hải quan, giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt như doanh nghiệp thủy hải sản, da giầy, dệt may… thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường này.”
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù xuất khẩu tiếp tục là điểm nhấn quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam năm 2014, tuy nhiên cũng cần nhận rõ những hạn chế nội tại từ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chất lượng hàng hóa đến những khó khăn của khối doanh nghiệp trong nước…,đòi hỏi cần điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.
Năm 2014, ngành da giày Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu
|