Dẫu cho tới đầu tháng 9/2016, các DN Việt Nam đã trúng thầu đơn hàng 150.000 tấn gạo XK sang Philippines, tình hình được dự báo cũng chưa mấy cải thiện bởi lượng tồn kho còn lớn. Liên tục giảm sút Là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, lúa gạo luôn được kỳ vọng lớn khi góp mặt vào nhóm nông sản XK tỷ đô hàng năm. Tuy nhiên, năm 2016 được coi là một năm đầy chông gai với XK gạo khi mặt hàng này không giữ được đà tăng trưởng như kỳ vọng. Nếu như kết thúc quý I/2016, XK gạo đã đạt 1,59 triệu tấn, tăng tới 41,6% so với cùng kỳ năm trước thì bắt đầu từ tháng 5 bước vào đà giảm cả về khối lượng và giá trị. Điều đáng nói là tốc độ giảm ngày càng mạnh đã cảnh báo một tương lai không mấy sáng sủa của ngành sản xuất lúa gạo trong năm nay. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng gạo XK 8 tháng ước đạt 3,37 triệu tấn với kim ngạch 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Phân tích ở góc độ thị trường, XK gạo giảm mạnh là do nhu cầu của thị trường yếu, nhiều nước đã cắt giảm lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam hoặc chuyển hướng sang thị phần khác. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng ở vị trí số một về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng năm 2016 với 36% thị phần. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Tuyết Mai - Phó trưởng Phòng Thương mại, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), hiện nay, thị trường Trung Quốc cũng đang trong đà giảm mạnh, ảnh hưởng đến XK gạo của nước ta. Ngoài giảm về nhập khẩu chính ngạch, phía Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch, càng làm cho tình hình khó khăn hơn. Trong khi đó, đối với các thị trường XK gạo truyền thống của nước ta như Philippines, Indonesia và Malaysia cũng không đạt như kỳ vọng vì không có hợp đồng lớn. XK gạo vào các thị trường này liên tục ghi nhận mức giảm mạnh, chẳng hạn như Philippines giảm 66,4%, Malaysia giảm 54,5%, Singapore giảm 36,3% và Mỹ giảm 37,6% trong vòng 8 tháng vừa qua. Phải đổi mới nhiều mặt Bên cạnh yếu tố thị trường, chất lượng gạo XK chưa cao cũng là một trong những vấn đề đang đặt ra cho ngành lúa gạo. Bằng chứng là giá gạo XK của Việt Nam luôn thua thiệt so với Thái Lan nếu cạnh tranh, bởi "đối thủ" này có công nghệ chế biến tốt hơn rất nhiều. Một thống kê khác của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, XK gạo chất lượng cao đang có dấu hiệu thụt lùi trong vài năm trở lại đây. Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng dẫn chứng, năm 2014, nước ta XK sang Mỹ được 70.000 tấn gạo chất lượng cao nhưng đến năm 2015 rớt xuống chỉ còn 44.000 tấn. Tại thị trường EU và Nhật Bản cũng ghi nhận thực trạng tương tự. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cho hạt gạo là một việc làm cấp bách để mở đường cho XK. Trong bối cảnh XK gạo đang còn mờ mịt, một tia sáng đã được hé mở khi những ngày đầu tiên của tháng 9, các DN trúng thầu XK 150.000 tấn gạo sang Philippines và sẽ tiến hành hoàn tất việc xuất hàng trong tháng 9 - 10. Trước mắt, đây sẽ là một tin tốt với XK gạo Việt Nam bởi trong vòng 6 tháng qua không xuất hiện các hợp đồng XK gạo lớn. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với lượng gạo tồn kho tính đến giữa tháng 8 ở mức 1,3 triệu tấn theo như thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng nhận định, tiêu thụ gạo hiện nay đang gặp nhiều khó khăn cả về XK chính ngạch và tiểu ngạch. Chính vì vậy, việc tháo gỡ thị trường đầu ra được Bộ đặc biệt quan tâm. Mới đây, Bộ đã ký xong nghị định thư về gạo và chuẩn bị đón đoàn Trung Quốc sang khảo sát tình hình sản xuất, chế biến gạo vào tháng 11 tới. Đồng thời, để tháo gỡ đầu ra cho hạt gạo, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương khai thác thị trường tiềm năng khác và ngay trong tháng 9 sẽ sang Ghana để kết nối thị trường này.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long. |