Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu gỗ nhọc nhằn đến mục tiêu

Chia sẻ Zalo

Dù có mức tăng trưởng khá tốt song ngành gỗ chưa thoát khỏi lo lắng cho mục tiêu 7 tỷ USD kim ngạch XK trong năm nay. Lo lắng này xuất phát từ những yếu tố như nguồn nguyên liệu, vốn vay, chi phí sản xuất cao khiến lợi nhuận giảm…

 “Chưa thấm” với nhu cầu thế giới

“Chập chững” từ  219 triệu USD kim ngạch XK vào năm 2000, ngành gỗ đã có bước tiến khá nhanh với tốc độ tăng trên 20% (giai đoạn 2000-2005) để “vọt lên” mốc 1 tỷ USD vào năm 2004. Tiến đều và tiến dần mỗi năm từ 2 tỷ USD (năm 2007) lên 3,9 tỷ USD (năm 2011) và cho đến nay kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt gần 5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2015, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ hiện nay dù tăng chậm hơn so với giai đoạn đỉnh điểm (trên 20%) chỉ khoảng 10%, nhưng sự gia tăng về kim ngạch cho thấy tiềm năng XK của ngành này còn khá lớn.
Xuất khẩu gỗ nhọc nhằn đến mục tiêu
Xuất khẩu gỗ nhọc nhằn đến mục tiêu
Lý giải về nguyên nhân khiến ngành gỗ có mức tăng trưởng tốt trong những năm qua, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho biết, nhu cầu tiêu dùng gỗ của thế giới rất lớn, khoảng 230 tỷ USD/năm, riêng EU là 85 tỷ USD/năm, Mỹ là 28 tỷ USD/năm. Việt Nam hiện mới chỉ XK sang Mỹ 2 tỷ USD hay 800 triệu USD sang EU, những con số này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của họ. “Do vậy, ngành gỗ vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt”, ông Quyền nói.

Hiện thị trường XK lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ với kim ngạch tăng 26-27% so với cùng kỳ, tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, EU… Bên cạnh đó, XK gỗ của Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 khu vực châu Á và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, sản phẩm gỗ được các đối tác ưa chuộng nhất là bàn ghế trong nhà và bàn ghế ngoài trời, chiếm 75% thị phần trong XK của ngành gỗ.

Cùng với tốc độ tăng trưởng của kim ngạch, giá XK các sản phẩm gỗ cũng có mức tăng nhẹ. Một báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, giá XK sang một số thị trường chủ lực trong 9 tháng đầu năm đều tăng nhẹ. Cụ thể, giá XK sang thị trường Hoa Kỳ tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước do giá cả 2 nhóm mặt hàng bằng gỗ và đồ nội thất cùng tăng. Giá XK sang thị trường Nhật Bản tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước, do giá nhóm gỗ và mặt hàng bằng gỗ tăng. Với thị trường Hàn Quốc, giá XK tăng 1,44% so với cùng kỳ năm trước, do giá nhóm gỗ và mặt hàng bằng gỗ và nhóm đồ nội thất cùng tăng. Riêng với thị trường Trung Quốc, giá XK tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước, do giá nhóm gỗ và mặt hàng bằng gỗ tăng nhưng nhóm đồ nội thất giảm. Dù đây thị trường XK lớn thứ 3 của ngành hàng gỗ nhưng việc XK sang thị trường này thiếu tính bền vững, rủi ro. Thị trường Trung Quốc thiếu tính ổn định, bền vững vì kim ngạch hàng năm luôn biến động, giá cao giá thấp, năm nhập nhiều, năm nhập ít gây khó khăn cho DN.

Lo lắng cho mục tiêu 7 tỷ USD

Khi được hỏi về tiến độ XK trong năm 2015 có đạt mục tiêu 7 tỷ USD hay không, ông Quyền cho biết: “Quý IV-2015, lượng đơn hàng đã xong, đạt khoảng hơn 7 tỷ USD nhưng làm được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”. Yếu tố mà vị Phó Chủ tịch Vietfores nhắc đến đầu tiên là do khách hàng yêu cầu chất lượng cao hơn. “Trước đây, khách hàng ít quan tâm đến nguồn gốc gỗ nhưng nay họ đến kiểm tra nguồn gốc rất chặt xem có đảm bảo không để làm tiếp hợp đồng”, ông Quyền nói. Chính vì thế, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng là một vấn đề. Hiện Việt Nam đang NK gỗ ở 67 quốc gia, nhưng chỉ có khoảng 5-6 quốc gia là có chứng chỉ gỗ hợp pháp, còn lại là chưa, trong khi các DN đang rất thiếu thông tin về các quốc gia, không biết được các công ty nào có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ các giấy phép như vậy. Nếu DN tự đi tìm các quốc gia khác để NK gỗ sẽ rất tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

Một yếu tố khác tác động đến ngành gỗ là vấn đề tỷ giá. Theo lý giải của ông Quyền, quý IV hàng năm, DN cần lượng lớn USD để đi mua nguyên liệu nhưng việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng xuống còn 0%, trong khi trần lãi suất gửi VND với kỳ hạn ngắn vẫn là 5,5% nên ngân hàng khó có USD cho DN vay. Vốn thiếu cộng với nguồn nguyên liệu khó khăn, lãi suất cao khiến lợi nhuận DN giảm, đây là những nguyên nhân khiến DN “chần chừ” hoàn thành đơn hàng đã ký.

Với những khó khăn trên, để đạt mục tiêu XK đề ra trong năm 2015, Vietfores đề ra 4 giải pháp. Thứ nhất, DN cần tăng cường sử dụng gỗ nguyên liệu trong nước bởi trong nước có mấy loại đáp ứng được yêu cầu như gỗ cao su, gỗ rừng trồng đường kính lớn, gỗ vườn nhà. “Khối lượng này đã có đủ để cung cấp, đồng thời có chứng chỉ tương đối tốt”, vị Phó Chủ tịch Vietfores nói. Thứ hai, cần tổ chức lại sản xuất trong DN, nhà máy để tiết kiệm chi phí, nguyên liệu để giảm giá thành. Ví dụ, trước đây 1m3 gỗ tròn chỉ có thể sử dụng được 80% nhưng nay phải đặt yêu cầu sử dụng được 90-95%. Thứ ba, DN lớn và DN nhỏ cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Theo đó, DN lớn khi nhận đơn hàng nhưng vì quá sức nên giao lại cho DN nhỏ tận dụng đơn hàng, nhà xưởng, lao động. Thứ tư, về vấn đề vốn huy động, do lãi suất vay trong nước cao (3% với đồng USD) nên DN đã làm việc với các đối tác như tổ chức của IKEA để họ ứng tiền trước. Hiện nay, các đối tác NK đã sẵn sàng ứng trước cho DN Việt Nam 30% vốn để DN triển khai kịp đơn hàng. Với 4 biện pháp này, hi vọng ngành gỗ có thể đạt mục tiêu đề ra trong năm nay”, ông Quyền chia sẻ.