KTĐT - Gần 500 lao động từng làm việc tại nước ngoài đã tham gia cuộc khảo sát đánh giá thực trạng của người lao động sau khi trở về Việt Nam. Kết quả cho thấy phần nào thực trạng của việc xuất khẩu lao động tại nước ta.
Chất lượng lao động được nâng cao
Mới đây, Hội thảo Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương tổ chức tại khách sạn Hilton, Hà Nội. Đối tượng tham gia khảo sát được chọn lựa từ 4 tỉnh có nhiều lao động xuất khẩu là Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và đã từng làm việc tại Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia trong thời gian 2004 - 2008.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: “Hiện nước ta có trên 400.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng năm đóng góp vào GDP khoảng 18 tỷ USD”. Kết quả khảo sát tại 4 địa phương trên cho thấy, XKLĐ không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua nâng cao tác phong làm việc chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn kĩ thuật, tư duy kinh tế mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm áp lực thiếu việc làm và cải thiện đáng kể tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chỉ trong năm 2009, số tiền người đi XKLĐ gửi về cho gia đình của tỉnh Bắc Giang đã đạt 1.135 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Phúc 110 tỷ đồng, Thái Bình 800 tỷ đồng, Phú Thọ 600 tỷ đồng. Riêng huyện Lạng Giang, Bắc Giang lên đến 120 tỷ đồng, gấp gần 3 lần tổng thu ngân sách của địa phương (47 tỷ đồng). Số tiền này được chi tiêu cho đời sống, gửi tiết kiệm và đáng mừng là được nhiều hộ gia đình dùng để tái đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư cho con cái học hành.
Ngoài những lợi ích kinh tế, XKLĐ đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu việc làm của người lao động (chủ yếu là lao động phổ thông) theo hướng tăng tỷ lệ việc làm phi nông nghiệp, lao động chuyên môn kĩ thuật bậc cao và lao động quản lý. Cùng với đó là tỷ lệ lao động làm công ăn lương thay đổi theo hướng tích cực từ 18% lên 27%. Những kết quả khả quan này có được là nhờ sự hỗ trợ thiết thực của các chương trình, chính sách vay vốn thông qua ngân hàng và các tổ chức của nhà nước, đoàn thể xã hội cho người LĐ cũng như sự phối hợp tích cực giữa các doanh nghiệp tuyển dụng và địa phương.
Khó khăn cần vượt qua
Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng nên có cơ chế, chính sách riêng cho người trực tiếp làm công tác XKLĐ tại mỗi địa phương để động viên cũng như tăng tính hiệu quả của công tác này.
Các cơ quan quản lý về XKLĐ cũng như chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích các DN tiếp nhận, giới thiệu việc làm cho LĐ khi về nước bởi lực lượng lao động này hầu hết đều có kinh nghiệm, kỉ luật làm việc cũng như trình độ tay nghề khá cao. Bên cạnh đó phải thường xuyên tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát doanh nghiệp XKLĐ, kiên quyết xử lý các sai phạm nếu có.
Các DN dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức như các vấn đề về kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, kĩ năng ngoại ngữ cũng như xây dựng cẩm nang kiến thức cần thiết, các số điện thoại “nóng” để người LĐ bớt bỡ ngỡ và yên tâm bắt đầu làm việc.
Người LĐ cũng nên chủ động trong việc tìm hiểu thông tin trước khi đi, hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo trong XKLĐ, bưng bít thông tin về thi tuyển, chi phí tuyển dụng. Sau khi kết thúc hợp đồng trở về Việt Nam, người LĐ cần chủ động tái hội nhập thị trường LĐ trong nước, có kế hoạch sử dụng nguồn vốn tiết kiệm vào sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện sống, không nên đi theo những cơ sở tuyển dụng không chính thức, tự gây rủi ro cho bản thân.
Theo ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì “Ít có nước nào lại XK được nhiều LĐ phổ thông như Việt Nam”, việc này mang đến nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội nhưng XKLĐ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, những khó khăn này nếu không được giải quyết căn bản sẽ trở thành những rủi ro tiềm ẩn cho cả phía người lao động lẫn doanh nghiệp tuyển dụng và cơ quan quản lý tại địa phương.