Theo đánh giá của IPSARD, động thái phá giá 4,6% đồng NDT hồi tháng 8/2015 của Trung Quốc kéo theo nhiều tác động xấu tới thị trường tài chính thế giới. Điều này thể hiện rõ khi giá vàng quốc tế tăng thêm 10 USD/ounce chỉ trong vòng vài phút, tiếp đó giá đồng giảm 4%, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Trong khi đó, Trung Quốc lại là đối tác lớn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc chiếm tới 36,7% tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta, 47% giá trị xuất khẩu cao su, 36,2% giá trị xuất khẩu rau quả, đồng thời cung cấp tới 55% thuốc trừ sâu và nguyên liệu cho Việt Nam.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng IPSARD cho rằng, Việt Nam thường xuyên nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc. Hiện có khoảng 20% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng buôn lậu qua tiểu ngạch thì càng lớn. Do đó, những biến động của thị trường nước này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới thương mại nông sản của Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Trước hết, một số nước như Thái Lan, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ đã và đang gia tăng cạnh tranh các thị phần gạo, tôm trên thị trường Trung Quốc và Mỹ với nước ta.
IPSARD khuyến cáo, trước mắt cần tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD còn có mức giá cao. Theo đó, các bộ, ngành cần quan tâm khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Bên cạnh đó, nối kết nhanh chóng để có các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt cung trong năm nay.