Xuất khẩu giảm sút vì Covid-19
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 mới chỉ diễn ra tầm 4 tháng nhưng đã tác động rất mạnh đến hoạt động XK nông sản. Cụ thể trong tháng 4/2020, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản chỉ đạt gần 2,9 tỷ USD và tổng giá trị XK nông sản 4 tháng qua chỉ đạt hơn 12 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kì năm 2019.
Nhìn vào số liệu 4 tháng đầu năm cho thấy một bức tranh XK nông sản khá ảm đạm với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam sụt giảm mạnh về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Chẳng hạn như mặt hàng hoa quả đạt 952 triệu USD (giảm 19,6%), cá tra đạt 420 triệu USD (giảm 31,9%), tôm đạt 748 triệu USD (giảm 11,8%), cao su đạt 383 triệu USD (giảm 31,1%), chè đạt 53 triệu USD (giảm 14,1%), hồ tiêu đạt 249 triệu USD (giảm 12%)…
Đặc biệt, do tác động của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng dù đã có hợp đồng ký kết nhưng không thể xuất khẩu được.
|
Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường. Ảnh: Minh Trí |
Mới đây, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi XK. Điều này khiến cho việc XK quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật xem như không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020. Từ trường hợp này cho thấy, dịch Covid-19 đã gây nhiều hệ lụy đến hoạt động XK nông sản của Việt Nam sang thị trường chính yếu, quan trọng như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc…
Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải: Trung Quốc đang là thị trường XK lớn nhất với tỷ trọng khoảng 25%, Mỹ đứng thứ hai với 24%, châu Âu khoảng 12%… đây đều là những trục kinh tế lớn nhưng dịch Covid-19 đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng. "Đối với Việt Nam, kể cả khi chúng ta khống chế thành công dịch thì vẫn bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác chưa khắc phục được dịch bệnh" - ông Hải nói.
Thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục
Theo Bộ Công Thương, mặc dù chưa thể khống chế hoàn toàn dịch Covid-19 nhưng hiện Trung Quốc đang kiểm soát khá tốt dịch nên quốc gia tỷ dân này đang có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản để bù đắp thiếu hụt thị trường do sản xuất bị ngưng trệ.
Để thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa, nông sản đáp ứng nhu cầu của người dân, Trung Quốc đang đẩy mạnh khôi phục vận hành hệ thống giao thông, hoạt động logistic. Ngoài ra, Trung Quốc cũng giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thực tế, khi dịch Covid-19 ở Trung Quốc dần được kiểm soát, các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã dần thông thương trở lại. Từ tháng 2 tới nay, trên 60.000 xe nông sản được thông quan xuất sang thị trường này, đặc biệt từ 1/5 hầu hết các cửa khẩu phụ tại các tỉnh phía Bắc có biên giới giáp với Trung Quốc đã được mở lại hoạt động bình thường.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Quốc Toản dự báo, vào cuối quý II đầu quý III/2020, Trung Quốc sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng thực phẩm, đây sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh XK nông sản vào thị trường này.
Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã đạt được những kết quả chống dịch rất tích cực nên cũng đang có nhu cầu nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Thị trường Mỹ sẽ có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông nghiệp Việt như tôm, cá basa, thị trường EU có nhu cầu về các loại rau quả chế biến; trái cây tươi.
“Dự báo nhu cầu nhập khẩu nông sản của những thị trường này sẽ hồi phục dù tốc độ sẽ chậm hơn Trung Quốc khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường này, DN Việt nên nghiên cứu xuất khẩu nông sản theo từng phân khúc, ở từng khu vực cụ thể” - ông Toản khuyến cáo.
Tận dụng tối đa các FTA
Theo các chuyên gia kinh tế, để chuẩn bị cho giai đoạn hậu dịch Covid-19, các DN XK nông sản cần tập trung khai thác các thị trường đã ký kết các FTA với Việt Nam. Đặc biệt, cần tính đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, qua đó hoàn thành mục tiêu kim ngạch XK đạt 42 tỷ USD.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành nhận định: EU với dân số 508 triệu dân, GDP 18.000 tỷ USD chính là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, đây là cơ hội để DN đẩy mạnh XK nông sản vào thị trường này.
“Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã thâm nhập được vào các thị trường EU việc EVFTA được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc” - ông Thành nói.
Đồng tình với phân tích này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: Hiệp định FTA nói chung và EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường XK những sản phẩm nông sản, thủy sản. Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường XK, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.
“Hiệp định EVFTA là cú hích cho XK nông sản hồi phục, cơ hội tiềm năng để DN Việt Nam tăng trưởng cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Tuy nhiên để tận dụng được những cơ hội mở rộng thị trường XK nông sản thông qua các FTA mang lại, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ mất cơ hội khai thác thị trường.
Để làm được điều này đòi hỏi các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN XK, liên kết chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất và DN. Qua đó khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường XK nông sản thời kỳ hậu Covid-19.
"Hiệp định EVFTA cùng với các FTA tự do khác sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng để thúc đẩy năng lực cạnh tranh hàng Việt Nam XK trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Việc phê chuẩn và thực hiện EVFTA sẽ tạo cơ hội cho DN XK hàng hóa thị trường rộng lớn với gần 450 triệu dân của những nước giàu có hàng đầu thế giới; đồng thời cải thiện vị trí của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và có thêm động lực cải cách thể chế." - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc
"Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản sau dịch Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục hướng vào thị trường tầm trung và phân khúc thấp của Trung Quốc nhằm thích ứng phát triển. Vì dù ở góc độ nào thì quốc gia tỷ dân này vẫn là thị trường rất lớn, một tác nhân quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam." - Phó Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng |