Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Rào cản ngày một nhiều

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc từ đầu năm 2019 giảm 4,2% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, việc tập trung các giải pháp nhằm tháo gỡ rào cản xuất khẩu sang quốc gia này là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Hàng loạt quy định mới
Vừa qua tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), 500 xe chở hoa quả (chủ yếu là thanh long) từ Bình Thuận, Long An, Tây Ninh… bị ùn ứ. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc sử dụng camera, máy soi để giám sát quy trình nhập khẩu, kiểm soát chất lượng nông sản khiến thời gian thông quan kéo dài. 
Trước đó, Trung Quốc đã siết chặt nhập khẩu với trái cây Việt Nam. Muốn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, trái cây phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để truy xuất nguồn gốc. Chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam đáp ứng các điều kiện này để được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt.
 Chăm sóc vải thiều tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Lâm Nguyễn
Không chỉ nhóm mặt hàng nông sản, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành hàng loạt quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm thủy sản. Nông sản nói chung của Việt Nam chưa được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc cũng sẽ không được giao dịch biên mậu. Cụ thể là các sản phẩm thủy hải sản, nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.
Từ ngày 1/10/2019, Thông báo số 70/2019 của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu sang Trung Quốc cũng chính thức có hiệu lực. Cùng với siết chặt tiểu ngạch, các quy định được đặt ra ngày một nhiều hơn đối với xuất khẩu chính ngạch trở thành rào cản khiến nông sản Việt gặp khó khi tiếp cận thị trường tỷ dân này.
Thiết lập kênh thông tin trao đổi
Việc Trung Quốc siết chặt tiểu ngạch, đồng thời đặt ra một loạt các điều kiện đã khiến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm. Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa đánh giá, người dân, thậm chí là nhiều DN hiện vẫn giữ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng cũng như cách thức quản lý chưa bảo đảm tiêu chuẩn, ảnh hưởng tới xuất khẩu khi các nước thay đổi chính sách. Nếu không thay đổi cách làm thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ khó được cải thiện.
Để giải quyết tình trạng bế tắc đầu ra của nông sản Việt, đối với mặt hàng hoa quả chưa xuất khẩu chính ngạch, Bộ NN&PTNT đã ra văn bản đề nghị sớm đánh giá rủi ro. Đồng thời khuyến nghị DN Việt phải thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường Trung Quốc. Đối với mặt hàng hải sản, các DN, địa phương nuôi trồng đều phải tiến hành đăng ký với Tổng cục Thủy sản để cấp mã số vùng trồng và đưa đi kiểm tra các chỉ số đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam định kỳ 3 tháng/lần tổ chức họp trao đổi, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm xử lý hoặc phản ánh đến các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc giải quyết. Đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro để sớm xuất khẩu 10 sản phẩm mới sang Trung Quốc gồm: Tổ yến, sầu riêng, chanh leo, khoai lang, bơ, thạch đen, bưởi, dừa, na và gạo.
Cùng với đó sẽ thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp xử lý vướng mắc về hoạt động xuất nhập khẩu nông thủy sản giữa Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và lãnh đạo các tỉnh biên giới cả hai phía Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, tập trung làm rõ, tháo gỡ các vấn đề như việc áp dụng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chứng thư xuất khẩu và công tác kiểm dịch động thực vật.

"Cần xem xét, xây dựng quy hoạch sản xuất các loại nông sản phù hợp với thị trường xuất khẩu Trung Quốc trên cơ sở nghiên cứu kỹ quy mô và thị hiếu người tiêu dùng. Các DN cũng cần bỏ tâm lý Trung Quốc là thị trường dễ tính, nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, tiến tới chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch các nông sản có thế mạnh." - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh