Xuất khẩu nông sản tăng trưởng vượt trội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt khó khăn, xuất khẩu nông sản 9 tháng năm 2022 đạt mức xuất siêu 6,9 tỷ USD. Để duy trì đà tăng trưởng, các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa nông sản vào những thị trường có giá trị cao… đang được ngành nông nghiệp, công thương và DN nỗ lực triển khai.

7 nhóm sản phẩm đạt hơn 2 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7 sản nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Cà phê là 1 trong 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD trong 9 tháng 2022. Ảnh minh họa
Cà phê là 1 trong 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD trong 9 tháng 2022. Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan dù gặp nhiều yếu tố bất lợi. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo ra nhiều mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường. Từ đó, ngành nông nghiệp đã tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh, chủ động mở rộng thị trường, tạo ra giá trị tăng thêm cao.

“Sản xuất nông nghiệp đang giảm dần thế bị động, bám sát nhu cầu, thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định. Cùng với đó, việc mở rộng, hướng tới các thị trường có giá trị cao đã và đang định hình vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt hơn 2 tỷ USD” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lý giải.

Phân tích thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, đến nay, Cục đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, TP; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Gần nhất có 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt, và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Hay như mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng năm 2022 lên tới 2,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, một số sản phẩm gạo chất lượng cao đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Hiện tại, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới vẫn đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam rất cao.

Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường chưa đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động về thiên tai, dịch bệnh.

Nhận định rõ hạn chế này, Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc sớm khắc phục tình trạng một số mặt hàng xuất khẩu bị trả về, quy mô sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều... Song song với đó, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD trong năm 2022, Bộ NN&PTNT đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến thị trường. Trong đó, chú trọng phối hợp với các địa phương, DN nắm bắt thực tế cung - cầu sản phẩm nông nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

 

Trong những tháng cuối năm 2022, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tăng cường thu thập thông tin về thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu thị trường cũng như cập nhật các chính sách, quy định mới cung cấp cho cộng đồng DN và địa phương.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Trước mắt, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ DN khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, hướng dẫn DN, người dân đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số DN.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm của Việt Nam như: Nhãn xuất khẩu sang Nhật Bản; chanh leo, dừa sang Hoa Kỳ, bưởi sang Hàn Quốc... Cùng với đó là việc chuẩn hóa các quy định liên quan đến những loại quả tươi xuất khẩu.

Khuyến nghị về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, cùng với việc chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu một cách bài bản, các DN cần tiếp tục đưa ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tập trung vào chế biến sâu, thiết lập hệ thống số trong các kênh bán hàng để mở rộng kết nối thị trường.