Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt 910.000ha, năng suất trung bình 11,5 tấn/ha và tổng sản lượng trái cây các loại đạt khoảng 9,5 triệu tấn.
Quy mô tăng nhưng giá trị chưa tương xứngTheo số liệu của Bộ NN&PTNT, diện tích canh tác rau quả cả nước những năm qua liên tục tăng, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Nguyên nhân đến từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ đất lúa sang cây ăn quả. Thống kê cho thấy, 15 loại trái cây có diện tích lớn nhất hiện chiếm khoảng 86% tổng diện tích. Trong đó, dẫn đầu là chuối với 138.000ha, tiếp đến là xoài, nhãn, thanh long, cam, vải… (mỗi loại có diện tích từ 50.000 - 80.000ha).Cùng với diện tích tăng, năng suất bình quân của tất cả các loại cây ăn quả cũng không ngừng được cải thiện, hiện đã đạt khoảng 10 tấn/ha. Rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã đến được với thị trường của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là những thị trường truyền thống chiếm thị phần lớn nhất. Sự đi lên của ngành hàng rau quả đang đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp trong bối cảnh chăn nuôi lao đao, sản xuất lương thực không còn là mảnh đất thực sự màu mỡ để khai thác. Dù quy mô sản xuất và năng suất tăng, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả theo đánh giá còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân được Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn chỉ ra là bởi, rau quả Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn chỉ được xuất khẩu dưới dạng thô. Ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến còn hạn chế, ảnh hưởng tới chất lượng trái cây. Rào cản kỹ thuật khắt khe khiến nhiều loại rau quả Việt Nam chưa thể tiếp cận những thị trường khó tính. Cùng với đó, thị trường rau quả thường xuyên biến động do thương lái vẫn nắm quyền điều tiết…Hai giải pháp căn cơ Mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) nhận định, thị trường rau quả toàn cầu có thể tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 - 2020. Các quốc gia đang tăng cường tiêu thụ trái cây nhiệt đới, trái mùa, hữu cơ. Đây được xem là cơ hội lớn đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có thể nắm bắt được thời cơ hay không, lại là vấn đề khác.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ngành rau quả như thời gian qua, cần gia tăng chất lượng sản phẩm trái cây thông qua việc đẩy mạnh hoạt động chế biến. “Cả nước hiện có 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 800.000 tấn/năm. Nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu khiến công suất hiện chỉ đạt khoảng 50%. Ngoài ra, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là đồ hộp…” - ông Sơn thông tin.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích các DN đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ. Cùng với đó là đa dạng các sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu nông sản như đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên và cô đặc… Bên cạnh nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, việc mở rộng thị trường cũng là vấn đề được chú trọng. Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đinh Văn Hương cho biết, cả nước hiện có 90 DN xuất khẩu rau quả. Theo ông Hương, hầu hết các DN hiện nay đều nhận thức được sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin về nhu cầu cũng như những điều kiện về nhập khẩu của những thị trường tiềm năng. Từ đó, thúc đẩy đàm phán, tiến tới mở rộng thị trường và chủng loại rau quả xuất khẩu…Nhận định sản phẩm rau quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trên cơ sở rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng của từng vùng miền, mỗi địa phương, tiến tới xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, giấc mơ xuất khẩu rau quả đạt 7 tỷ USD vào năm 2030 của Việt Nam mới có thể trở thành hiện thực.