Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Kỳ vọng cán mốc 96 tỷ USD

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu 7 tháng đạt quy mô và tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ. Đóng góp lớn nhất vào quy mô và tốc độ tăng này là nhiều thị trường, trong đó có Mỹ. Kỳ vọng cả năm thị trường này sẽ vượt qua mốc 96 tỷ USD.

7 tháng, chiếm 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu
Kể từ khi 2 nước tiến hành bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995) và ký Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000) xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng mạnh đáng kể. Mỹ vượt lên đứng trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhập khẩu của Việt Nam từ năm 2002, đạt kỷ lục vào năm 2020 với 77,08 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 54 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao hơn tỷ trọng tương ứng của cùng kỳ (26,4%), vượt xa so với thị trường đứng thứ hai (là Trung Quốc chiếm 15,4%).
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang Mỹ tăng 38,3%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (26,2%), hay tăng 14,95 tỷ USD - chiếm 38,6% tổng mức tăng xuất khẩu của cả nước, một tỷ trọng rất cao, góp phần quan trọng vào quy mô, tốc độ và mức độ tăng xuất khẩu của cả nước.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có nhiều, trong đó có 22 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 9 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (cao nhất là Dệt may gần 9,2 tỷ; tiếp đến là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 8,95 tỷ; Máy tính, sản phẩm điện tử 6,77 tỷ; Gỗ và sản phẩm gỗ 5,89 tỷ; Điện thoại và linh kiện gần 5,2 tỷ; Thủy sản 1,14 tỷ…).
Có một số mặt hàng còn chiếm tỷ trọng lớn hơn tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong tổng số. Và Việt Nam cũng tiếp tục ở vị thế xuất siêu trong quan hệ buôn bán với Mỹ, với quy mô lớn hơn cùng kỳ (44,94 tỷ USD so với 30,90 tỷ USD, tăng 45,4% hay tăng 14,04 tỷ USD).

Dự báo cả năm 2021 có 2 kịch bản. Kịch bản 1 sáng hơn là 5 tháng cuối năm xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ (dự báo tăng 19%), thì xuất khẩu cả năm 2021 sẽ đạt 100 tỷ USD. Nhập khẩu 5 tháng cuối năm (dự báo tăng 19%) thì cả năm sẽ là 15,7 tỷ USD. Theo đó, xuất siêu lên đến gần 85,5 tỷ USD - một mức rất cao.

Kịch bản 2 ít sáng hơn là 5 tháng cuối năm xuất khẩu tăng thấp hơn (dự báo tăng 10%), thì xuất khẩu cả năm đạt 96,6 tỷ USD; nhập khẩu tăng cao hơn (dự báo tăng 19%), thì xuất siêu gần 81 tỷ USD - cũng là mức rất cao - góp phần giảm nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường khác trong 7 tháng qua và dự báo cả năm nhất là từ Trung Quốc (7 tháng là 34,32 tỷ USD, dự báo cả năm là 58,8 tỷ), Hàn Quốc (7 tháng là 17,92 tỷ, dự báo cả năm là 30,7 tỷ), Đài Loan (7 tháng là 9,34 tỷ, dự báo cả năm 16 tỷ), Thái Lan (7 tháng 4,2 tỷ, dự báo cả năm 5 tỷ)…

Một số điểm lưu ý

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng nhanh và hiện đạt quy mô khá lớn, nhưng năm 2019 mới chỉ bằng dưới 1,9% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ; năm 2021 dù có tăng lên nữa thì vẫn chỉ bằng trên dưới 3%. Điều đó chứng tỏ dư địa xuất khẩu với thị trường Mỹ vẫn còn rất lớn.

Với một số mặt hàng cụ thể có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ vẫn cần phải rà soát để tránh “bỏ trứng vào 1 giỏ”, tránh rủi ro khi nước này dùng hàng rào chặn lại bằng đánh thuế cao, kiện bán phá giá… Điểm quan trọng nữa là mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam của Mỹ đã được gỡ xuống, nguyên nhân chủ yếu do xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ lớn và tăng nhanh, và do giá nhân công rẻ, chênh lệch tỷ giá sức mua tương ứng với tỷ giá hối đoái hiện vẫn còn rất lớn (lên tới 3 lần).
Thực tế tỷ giá VND/USD từ mấy năm ổn định ở mức thấp (giá USD bình quân năm 2019 tăng 0,99%, năm 2020 giảm 0,02%, 7 tháng năm 2021 giảm 0,81%), trong khi tỷ giá thương mại mang dấu âm (năm 2020 giảm 0,74%, 6 tháng 2021 giảm 0,99%) - tức là tỷ giá có lợi cho nhập khẩu hơn là xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam có đông Việt Kiều tại Mỹ (khoảng hơn 1,5 triệu), đây là cầu nối tốt cho việc đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Và cuối cùng, việc tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm bớt xuất siêu sang Mỹ cần được quan tâm. Thực tế 7 tháng qua, Việt Nam đã tăng nhập khẩu từ Mỹ một số mặt hàng như: Sữa, rau quả, chế phẩm từ thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, chất dẻo, gỗ, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu về máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và một số mặt hàng mà Mỹ có thế mạnh… vẫn còn ít.